Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Yêu cầu Bộ Y tế cân nhắc có thể công bố dịch sởi

Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ cuối năm 2013 đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 6.000 trường hợp bệnh nhi mắc sởi.
Bệnh sởi diễn biến rất phức tạp.Ảnh minh họa.
Bệnh sởi diễn biến rất phức tạp.Ảnh minh họa.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của căn bệnh này, chiều 15/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc làm việc với Cục Quản lý khám chữa bệnh và Bệnh viện Nhi Trung ương – nơi đã điều trị cho gần 1.800 bệnh nhi mắc sởi và các loại bội nhiễm liên quan đến bệnh sởi của 22 tỉnh, thành khu vực phía Bắc.

Theo báo cáo của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, cho đến thời điểm này đã có 108 trường hợp tử vong do sởi và các bệnh biến chứng sau sởi. Trong đó có 103 ca tại Bệnh viện Nhi Trung ương, 4 ca tại Bệnh viện Bạch Mai và 1 ca tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Bệnh viện Nhi Trung ương mặc dù đã được cung cấp thêm 8 máy thở từ nguồn dự trữ quốc gia, cộng với 40 máy thở hiện bệnh viện đang có, thì vẫn không đủ cho việc điều trị.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, cùng với hệ thống bệnh viện từ Trung ương đến địa phương bằng mọi biện pháp không để các bệnh nhi bị lây chéo với các bệnh khác khi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế; khẩn trương tìm mọi giải pháp cần thiết kiềm chế, tiến tới khống chế bệnh sởi đang lan rộng hiện nay, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cân nhắc, có thể công bố dịch nếu thực sự cần thiết; đồng thời đề nghị lãnh đạo ngành y tế đưa ra cơ chế linh động cho các y bác sỹ đang trực tiếp điều trị các bệnh nhân sởi hưởng cơ chế như đang trong dịch.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Bệnh viện nhi Trung ương cần nhanh chóng bổ sung các trang thiết bị và cơ số thuốc còn thiếu nhằm đáp ứng đủ khả năng điều trị cho tất cả các bệnh nhân đang điều trị tại đây.

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế phải đảm bảo đầy đủ thuốc điều trị cho bệnh nhi nhiễm sởi, mua ngay các loại thuốc còn thiếu, mua thêm thuốc để phòng tránh lây nhiễm chéo từ sởi sang các bệnh khác và ngược lại; xuất cấp toàn bộ máy thở còn lại trong nguồn dự trữ quốc gia, xem xét mua các máy thở mới, các thiết bị hỗ trợ hô hấp để kịp thời phục vụ điều trị bệnh nhân. “Bất cứ giá nào cũng phải đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất trong công tác điều trị các cháu", Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục tổ chức các bệnh viện vệ tinh, hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị để giảm tải cho Bệnh viện Nhi Trung ương, áp dụng kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch cúm A(H5N1); khẩn trương tìm mọi giải pháp cần thiết kiềm chế, tiến tới khống chế bệnh sởi; áp dụng các chế độ dành cho các bộ y tế như trong tình trạng chống dịch.

Đồng thời, ngành Y tế phải tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác tiêm chủng.

Sau buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp xuống thăm một số khoa, phòng đang điều trị cho các bệnh nhi mắc sởi.
Không chuyển các bệnh nhân lên tuyết trên tránh lây nhiễm bệnh sởi
Cùng ngày, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp với các thầy thuốc đầu ngành lây - truyền nhiễm để rà soát lại phác đồ điều trị bệnh sởi. Theo ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, phác đồ này sẽ được rà soát kỹ để có biện pháp điều trị tích cực hơn, giảm thiểu các trường hợp tử vong do sởi.

Sởi là một bệnh dễ lây qua đường hô hấp. Nếu trẻ chưa có miễn dịch với sởi lại tiếp xúc với trẻ mắc sởi thì nguy cơ lây bệnh rất cao gần như 100%. Tất cả trẻ bị nhiễm với virus sởi đều có biểu hiện lâm sàng. Chính vì thế, nếu trẻ có dấu hiệu mắc bệnh nào đó trong đó có cả mắc sởi, người dân nên khám trước ở tuyến cơ sở để được hướng dẫn điều trị hợp lý chứ không nên đến thẳng lên bệnh viện tuyến Trung ương.

Thực tế hiện nay, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện có đủ năng lực điều trị bệnh sởi và có đủ giường bệnh để thực hiện việc cách ly, phòng chống lây nhiễm, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện.

Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện không chuyển các bệnh nhân lên tuyến trên để tránh các trẻ em bị mắc các bệnh khác mà không bị mắc sởi sẽ dễ bị lây nhiễm sởi khi tiếp xúc với bệnh nhân sởi (kể cả ngay từ phòng khám bệnh chứ chưa cần vào điều trị trong bệnh phòng). Hoặc ngược lại, các trẻ em mắc sởi nhẹ chỉ cần điều trị tuyến dưới nếu lên tuyến trên dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khác nặng hơn vì tuyến trên bao giờ cũng có bệnh nhân nặng và nguy hiểm.

Trong lúc này mặc dù đã rất cố gắng, bệnh viện tuyến trung ương vẫn tiếp tục quá tải, không đủ giường bệnh để thực hiện cách ly, phòng chống lây nhiễm nên nguy cơ nhiễm virus sởi hoặc các bệnh nhiễm trùng khác trong bệnh viện là rất lớn.

Thực tế tại Bệnh viện Nhi Trung ương sau khi đã dành các phòng làm việc của bác sỹ cho điều trị bệnh nhân sởi, số trẻ phải nằm ghép vẫn cao. Điều này không thể đảm bảo việc phòng chống lây nhiễm chéo. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh nên cho trẻ khám tại các bệnh viện tuyến cơ sở, phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc theo dõi sát diễn biến của con mình để điều trị kịp thời.

Đồng thời các gia đình cũng lưu ý trong việc chăm sóc về dinh dưỡng và vệ sinh cho trẻ để tránh nguy cơ mắc các biến chứng do sởi gây ra. Đặc biệt, để trẻ em không mắc sởi, biện pháp duy nhất là các bà mẹ phải đưa trẻ đi tiêm phòng sởi đầy đủ và đúng lịch.

Nguồn: Xaluan

0 nhận xét:

Đăng nhận xét