Chúng ta đều biết rằng cần tránh xa người bị cúm, nhưng có bao giờ bạn nghĩ cần “cách ly” với người đang buồn? Hãy cùng tìm hiểu về những cảm xúc và hành vi rất dễ “lây” từ người này sang người khác.
1. Cô đơn
Bạn có từng cảm thấy cô đơn khi đang đứng giữa căn phòng đầy những người quen biết? Đây không phải chỉ là câu nói hay gặp trong tiểu thuyết; sự cô đơn có thể thực sự “lây truyền” giữa những thành viên của một nhóm xã hội nhất định.
Các nhà khoa học của Trường Đại học Chicago, Mỹ đã tiến hành nghiên cứu trên 5.124 người. Những người này được yêu cầu khai báo về cảm xúc của mình mỗi 2 - 4 năm một lần. Các nhà nghiên cứu cũng thu thập tên bạn bè của các đối tượng để xây dựng hình ảnh của mạng lưới xã hội riêng của từng người. Kết quả cho thấy sự cô đơn mà mỗi người trong nhóm “nhiễm phải” cuối cùng sẽ khiến cho tất cả rời bỏ mạng lưới. Cho đến khi kết thúc nghiên cứu hầu hết các thành viên của nhóm đều cho biết còn rất ít bạn bè gần gũi.
“Sự cô đơn có thể dễ lây do những người cô đơn không chỉ có xu hướng phô bày cảm xúc cô độc và trầm uất của mình với những người khác, mà còn do sự gia tăng của internet và truyền thông xã hội cũng như cuộc chiến cạnh tranh sự chú ý, nơi một người đơn độc thường không được lắng nghe, càng tạo thêm cảm giác cô đơn và bị chối bỏ”, các tác giả nghiên cứu kết luận.
2. Tiếng cười
Giống như xem hài kịch, việc ở bên ai đó đang cười cũng có thể khiến bạn cười phá lên. Khi não bạn nghe thấy âm thanh của tiếng cười, nó sẽ hình thành đáp ứng khiến cơ mặt bạn chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận cảm giác sảng khoái.
Các nhà thần kinh học của Trường Đại học London đã sử dụng chụp cộng hưởng từ fMRI để tìm hiểu về tính “dễ nhiễm” của tiếng cười, nhằm chứng minh đáp ứng của não đối với những âm thanh nhất định.
Sau khi nghe âm thanh tiếng cười của người, vùng vỏ tiền vận động của não - là vùng não điều khiến các cơ mặt - chuẩn bị sẵn sàng cho mặt để đáp ứng với âm thanh nghe thấy. So với những âm thanh ‘tiêu cực” phát ra khi buồn chán và thất vọng, những âm thanh tích cực tạo nên khi vui vẻ và cười đùa dễ lây hơn nhiều.
“Đáp ứng này của não, tự động “mồi” cho chúng ta mỉm cười hoặc cười lớn, là một cách phản ánh hành vi của những người khác, giúp chúng ta tương tác về mặt xã hội,” TS Sophie Scott, tác giả chính của nghiên cứu kết luận.
3. Ngứa
Sau khi nhìn thấy ai đó xung quanh đang ra sức gãi, có lẽ bạn sẽ thấy mình cũng bắt đầu bị ngứa. Đừng lo, đó không phải là dấu hiệu bạn bị “lây” bệnh da của người kia. Tương tự như ngáp, khi nhìn thấy ai đó ngứa, vùng não khiến người đó thấy ngứa cũng bắt đầu “cựa quậy” trong não bạn.
Để kiểm định giả thuyết này, các nhà nghiên cứu Anh đã yêu cầu 51 người lớn khỏe mạnh xem một loạt đoạn băng video chiếu hình một người đang gãi ngứa ở phần thân trên hoặc đơn giản là vỗ vào một nơi trên cơ thể. Trog khi xem băng, những người tham gia được yêu cầu nói xem họ có cảm giác muốn gãi hay không. Kết quả là không chỉ phần lớn các đối tượng nói rằng họ rất muốn gãi, mà 64% đã bắt đầu gãi thật sự sau khi xem băng.
4. Stress
Không may là đôi khi ta không tránh khỏi stress. “Căn bệnh này” có thể truyền từ người này sang người khác và thậm chí từ mẹ sang con.
Một nghiên cứu tiến hành tại Trường Đại học California, Mỹ đã thử nghiệm sự tương đồng cảm xúc giữa 69 bà mẹ và đứa con từ 12 - 14 tháng tuổi của họ. Sau khi tách riêng, các bà mẹ và em bé này được lắp những cảm biến tim mạch và người mẹ được tiếp xúc với một tín hiệu tích cực - như vẻ mặt tươi cười, một tín hiệu tiêu cực - như vẻ mặt cau có, hoặc không có tín hiệu nào. Kết quả cho thấy những người mẹ tiếp xúc với tín hiệu tiêu cực ít có cảm xúc tích cực hơn và dễ biểu hiện các dấu hiệu của stress ở tim. Khi người mẹ đã tiếp xúc với tín hiệu tiêu cực được ‘tái hợp” với đứa con thì nhịp tim của em bé cũng tăng nhanh và giống với đáp ứng stress của mẹ.
Nguồn: MedicalDaily
0 nhận xét:
Đăng nhận xét