Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

“Mua về một cục sắt cũ nát mà không ai chịu tội thì vô lý quá!”

“Nếu không như thế thì việc mua về một cục sắt cũ nát như thế, đem về không biết đổ đi đâu mà lại không ai có tội không ai chịu trách nhiệm thì vô lý quá” – kiểm sát viên thốt lên tại phiên xử Dương Chí Dũng và đồng phạm.

16h2’, Luật sư Nguyễn Văn Chiến tỏ ý thất vọng vì luật sư không tranh luận về việc tại sao không phân biệt ụ nổi và tàu biển mà cho rằng các luật sư chỉ sính ngoại, “say sưa với công ước HS”. Kết luận của giám định viên liên ngành (5 Bộ) đưa ra cũng không được xem xét, đề cập đến. Vấn đề là quy định của luật Hàng hải không có Nghị định hướng dẫn mà chính công ước HS đã giúp trám khoảng trống này, áp chi tiết cho từng loại phương tiện thuộc quy phạm tàu biển.
 
Chủ tọa phiên tòa cho rằng, ụ nổi là tàu hay ụ nổi không phải là tàu là do Hội đồng xét xử xem xét, phán quyết, còn cứ mỗi bên giữ một quan điểm thì tranh luận mãi vẫn chỉ thế. Thẩm phán yêu cầu luật sư dừng nội dung này.

Tuy nhiên, luật sư Chiến vẫn tiếp tục phân tích, không thể nhầm lẫn ụ nổi là tàu biển. VKS công nhận các cán bộ Hải quan áp thuế nhập khẩu món hàng này là ụ nổi hoàn toàn đúng như lại vẫn cho rằng những người này đã bỏ lọt quy định về tuổi (không quá 15 tuổi) của “con tàu” này. Như thế là “tư duy mâu thuẫn”, nếu xác định đây là tàu thì cũng phải áp thuế đối với mã hàng là tàu.
 
15h56’, Luật sư Lê Minh Công (bảo vệ cho bị cáo Mai Văn Khang) đề cập lại 2 báo cáo sau cuộc khảo sát ở Nga về nhưng sao báo cáo của giám định độc lập Marilex không được đưa vào hồ sơ. Nếu báo cáo này được dùng để trình mua ụ nổi thì bị cáo Khang không có mặt tại tòa hôm nay. Còn việc dùng báo cáo chỉ có tính tham khảo của đoàn cán bộ đi về chứ không phải báo cáo có giá trị pháp lý thì Khang lại trở thành một… nạn nhân.
 
15h52’, Luật sư Được nói tiếp về tội tham ô quy buộc đối với bị cáo Mai Văn Phúc, lời khai của Trần Hải Sơn đầy mâu thuẫn. Khi thì Sơn khai mua va ly ở cổng chợ Bến Thành, rồi lại mua va ly trước cửa khách sạn Hoa Hồng (Hà Nội), lúc lại biến thành túi xách, lúc lại là túi nhựa đen…
VKS cũng chưa tranh luận về mâu thuẫn Trần Hải Sơn khai đưa tiền cho Phúc tại quê ở An Dương, Hải Phòng là vào phòng khách ở lầu 1 trong khi thực tế đây là căn nhà cấp 4, không có lầu nào. Ông Được đề nghị được làm rõ chi tiết này.
 
15h47’, Luật sư Hoàng Huy Được tiếp lời đồng nghiệp phản ứng quan điểm của VKS là bản luận tội đã nêu đầy đủ các chi tiết nên riêng đọc cũng mất gần 1 tiếng đồng hồ. Ông Được so sánh, 1 tiếng đồng hồ với sinh mạng của 2 con người, có thể đặt lên bàn cân? Quan trọng hơn nữa, bản luận tội không thêm được chi tiết nào mới từ phiên xử này mà vẫn nguyên những căn cứ cũ nêu lại.
 
Ông Được đi vào vấn đề xác định thiệt hại, chủ tọa phiên tòa gạt ngay, VKS trình bày rất rõ, tổng thiệt hại đến 552 tỷ đồng, do được trừ tiền giá trị ụ 37 tỷ đồng nên mới còn lại 367 tỷ đồng... Ông Được đề cập vấn đề ụ nổi có phải là tàu, chủ tọa phiên tòa lại ngắt lời, nội dung này cũng đã được cơ quan công tố lý giải đầy đủ, từ luật Hàng hải cho đến công ước HS.
 
15h45’, Về việc nộp 3,5 tỷ đồng của gia đình bị cáo Phúc mà VKS chỉ cho áp dụng khoản 2 Điều 46 vì bị cáo đã phản đối, luật sư Thiệp nói lại, dù không đồng ý tội danh bị cáo buộc nhưng thân chủ của ông cũng ghi nhận đây là nỗ lực của gia đình để giúp mình khắc phục hậu quả của vụ án nên vẫn cần được áp dụng khoản 1 Điều 46 như một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm.
 
15h39’, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp đặt câu hỏi, 1,666 triệu USD là có thật nhưng khoản tiền có ở đâu, ai đàm phán, ai thỏa thuận là vấn đề bản chất cần làm rõ. Nếu không thì rất có thể có người phải chịu trách nhiệm thay cho hành vi của người khác. Ông Thiệp tỏ ý bức xúc vì tài liệu các luật sư đưa ra không nhận được lời nhận xét nào của đại diện VKS.
 
“Mua về một cục sắt cũ nát mà không ai chịu tội thì vô lý quá!”
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp: 1,666 triệu USD là có thật nhưng khoản tiền có ở đâu, ai đàm phán, ai thỏa thuận?
 
Một điểm khác ông Thiệp đề cập, trong những thiếu sót, bất cập, mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo Sơn và các nhân chứng khác nêu ra về việc đưa tiền cho Mai Văn Phúc sao VKS không đặt ra để lý giải. Phải chăng những bất cập, mâu thuẫn về lời khai mà luật sư đã chỉ ra không có tài liệu để phản bác? Nếu không có gì để phản bác thì theo luật sư, phải mặc nhiên thừa nhận.
 
15h37’, Dương Chí Dũng xin được nói thêm, vì mới bị bắt cuống nghĩ khai có quan hệ thân thiết với ông Goh trước không có lợi nên không dám nhận nhưng sau đó bị cáo đã thừa nhận ngay, không giấu.
 
15h30’, Luật sư Trần Đại Thắng – luật sư thứ 3 bào chữa cho Dương Chí Dũng “bồi” thêm, ông Goh lý giải thông tin ụ nổi được bán giá 9 triệu USD là vì gồm giá vận chuyển mà việc thỏa thuận ngày 7/7/2007 này do Trần Hải Sơn thực hiện, không có sự tham gia của Dũng, Phúc.
 
15h23’, Luật sư Triển tiếp tục phân tích sâu về thủ tục chuyển khoản 1,666 triệu USD, trong đó có chữ ký xác nhận của 2 người là ông Khôi, bà Ngọc trong hợp đồng. Sao kê về việc chuyển đổi ngoại tệ để đổi 1,666 triệu USD sang 28 tỷ đồng tiền Việt thì công ty Phú Hà lại xuất hiện. Ngân hàng làm việc này cũng là ngân hàng phát hành LC. Luật sư Triển cho rằng, như vậy khó biết khoản tiền này đã đi đâu, về đâu.
 
“Chứng cứ đâu để nói đoàn khảo sát đi Nga biết giá của ụ nổi 83M là dưới 5 triệu USD. Chỉ đạo của Dũng, Phúc yêu cầu mua bằng được ụ nổi này qua công ty AP. Chứng cứ đâu? Ông Goh tác động với Dũng, Phúc để ủng hộ mua ụ nổi. Chứng cứ đâu?”– luật sư Triển đặt một loạt câu hỏi.
 
Luật sư Triển truy chứng cứ về việc ông Goh tác động với Dũng, Phúc để ủng hộ mua ụ nổi
Luật sư Triển truy chứng cứ về việc ông Goh tác động với Dũng, Phúc để ủng hộ mua ụ nổi
 
15h14’, Luật sư Trần Đình Triển nói về việc đã cung cấp văn bản của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhưng không được VKS trả lời. Ông Triển cũng lật lại, Sơn khẳng định chưa từng liên hệ với ông Goh nhưng luật sư đưa ra được 9 văn bản, mail trao đổi để cuối cùng đưa ra giá 9,1 triệu USD. Tại sao VKS không nói gì đến chi tiết này.
 
Luật sư cũng nghi ngờ nhiều tài liệu VKS không đọc kỹ bản tuyên thệ khi không trích rõ nội dung ông Goh khai “tôi chưa từng liên hệ và trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp với ông Dũng về việc bán ụ nổi 83M. Tôi cũng chưa từng liên hệ hay trao đổi với ông Phúc, cựu Tổng giám đốc Vinalines về việc mua bán ụ nổi 83M này”. 
Luật sư khẳng định có thể chứng minh được việc một mình Trần Hải Sơn “ăn trọn” cả 1,666 triệu USD.

Còn về câu trả lời việc liên hệ tư pháp với Nga, nếu được sẽ làm rõ sau, luật sư Triển bức xúc, tính mạng 2 con người, sau xử phúc thẩm, án có hiệu lực ngay. Vậy nếu sau đó thi hành án rồi mới chứng minh được nhiều tình tiết phát sinh từ Nga thì có phải oan cho 2 mạng người?
 
14h9’, Nói về bản tuyên thệ trước pháp luật của ông Goh – khai trước cơ quan pháp luật nước này mà luật sư thu thập được, VKS nghiên cứu rất kỹ để vận dụng. Từ điểm 1 nêu mình là giám đốc AP. Điểm 2 ông Goh nêu có quan hệ với Dương Chí Dũng trước đó nhiều, vì con Dũng học ở Singapore. Điểm này, VKS đánh giá, điều tra đã làm tốt vì trước đó Dũng không thừa nhận quan hệ này, sau mới buộc phải nhận.
 
Nội dung thứ 4 trong bản tuyên thệ, ông Goh thừa nhận đã tham gia cuộc khảo sát của cán bộ Vinalines tại Nakhodka. Và như thế, nhân vật này thừa nhận giá chào bán khi đó chỉ là dưới 5 triệu USD, chỉ chênh việc giao hàng tại Nga hay tại Việt Nam. Nếu thế, chỉ thêm khâu vận chuyển ụ về mà qua AP, giá ụ từ 2,3 triệu USD tăng lên 9 triệu USD. Rõ ràng điểm này, theo VKS, cũng chứng minh thực tế món hàng đã bị vống giá lên thế nào.
 
Các nội dung khác nêu ra, ông Goh cũng thừa nhận việc chuyển 1,666 triệu USD về cho công ty Phú Hà theo yêu cầu của Trần Hải Sơn như thế nào.
 
15h3’, Đại diện VKS nhắc lại quan điểm của ông Thủy, Dương Chí Dũng không phải chủ quản tài sản của Vinalines nên không thể nói bị cáo tham ô của TCty. Kiểm sát viên bác bỏ quan điểm này, khẳng định Dũng là người phải chịu trách nhiệm cao nhất, lớn nhất về tất cả các tài sản của TCty.

9 triệu USD mà Vinalines có để chuyển thanh toán cho ụ nổi là tiền ký quỹ của Citibank, từ một hợp đồng tín dụng vay tiền với tài sản đảm bảo là tổng tài sản của Vinalines. Vì vậy, VKS cho rằng tiền đơn vị dùng mua ụ nổi là tiền nhà nước vì đây là DN 110% vốn nhà nước.
 
“Ý luật sư tôi hiểu, về số tiền 1,66 triệu USD, Dũng, Phúc, Sơn nếu bị kết luận chắc chắn phải có sự bàn bạc, thỏa thuận. Tuy nhiên, đây là hành vi phạm tội không bị bắt quả tang, xảy ra từ năm 2008. Mà tội tham ô là toàn các bị cáo có chức vụ, kiến thức, không ai tố cáo ai thì khó thể hiện sự bàn bạc” – đại diện VKS lý giải.

Từ đó, để chứng minh được tội phạm, VKS ghi nhận kết quả của quá trình điều tra. Khi Sơn, Chiều đã thừa nhận việc được chia tiền, nhưng 2 người “đầu vụ” lại không nhận. Nếu theo các luật sư, Dũng, Phúc không nhận tội thì không thể bắt tội phạm được?
 
14h59’, Luật sư Ngô Ngọc Thủy yêu cầu VKS trả lời 3 vấn đề cụ thể chưa đề cập: căn cứ cơ sở pháp lý nào để nói 1,666 triệu USD là tài sản của Vinalines mà nói các bị cáo tham ô của TCty; Ai là người chỉ đạo chuyển tiền vào tài khoản công ty Phú Hà; Số tiền 1,666 triệu USD là “tiền chia” – kick back được thỏa thuận vào thời điểm nào, ở đâu, giữa những ai với nhau.

“Bản tuyên thệ của ông Goh mà các luật sư thu thập được từ Singapore mới đây đề nghị VKS cho ý kiến về việc này – một tài liệu có giá trị chứng minh cho vụ án” – ông Thủy ý kiến thêm.
 Dương Chí Dũng
Dương Chí Dũng
 
14h53’, Chuyển sang phần tội trạng của 3 bị cáo là cán bộ hải quan, không tán thành quan điểm của 3 luật sư đưa ra xoay quanh công ước HS (được cho là có giá trị áp dụng cao hơn luật Hàng hải), đại diện VKS cho rằng đây là văn bản chia chi tiết loại tàu, chủ yếu dành để áp thuế. Về việc áp thuế này, VKS không có ý kiến gì cả. Nhưng việc quản lý nhà nước, không thể buông lỏng, công thức hóa để mang những đồ thừa, hàng phế thải của thế giới về Việt Nam được.

Qua rất nhiều khâu kiểm soát, từ công chức bước 1, công chức bước 2, công chức bước 3 mà đều cho qua những vấn đề hiển nhiên không chấp nhận được của ụ nổi này như thế, theo VKS, quan điểm viện dẫn của các luật sư chỉ… loanh quanh.
 
Đại diện cơ quan công tố cũng cho rằng công ước HS không mâu thuẫn gì với luật Hàng hải, không “bác” những quy định của luật Hàng hải mà phải áp dụng cả 2. Các nhà làm luật đã dự liệu để có thể quản lý, ngăn chặn việc đưa những thứ rác, phế thải “đầu thừa đuôi thẹo” với số tiền rất lớn vung ra để đưa về Việt Nam.
Từ những lý lẽ đó, VKS khẳng định bảo lưu quan điểm truy tố của mình.
 
14h48’, Đối đáp quan điểm tranh luận về việc ụ nổi có phải là tàu biển, đại diện VKS đồng ý đây là tình tiết quan trọng liên quan đến việc đánh giá trách nhiệm của các bị cáo trong vụ án. Quan điểm của VKS đưa ra trên cơ sở nhiều văn bản, căn cứ, đối chứng với nhau cả chứ không chỉ trên một chứng từ thanh toán như luật sư Nguyễn Văn Chiến nêu. Kiểm sát viên dẫn ra luật Hàng hải, ụ nổi đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu biển nên phải được áp quy định quản lý như với một tàu biển. 

 “Nếu không như thế thì việc mua về một cục sắt cũ nát như thế đem về không biết đổ đi đâu mà lại không ai có tội không ai chịu trách nhiệm thì vô lý quá” – kiểm sát viên thốt lên.
 
Vốn để mua tàu biển, các luật sư đặt câu hỏi đây có phải là tiền nhà nước không, VKS nêu rõ, Vinalines là doanh nghiệp nhà nước, một đồng tiền đầu tư vào doanh nghiệp này, kể cả tiền vay cũng là của nhà nước, của nhân dân, một đồng tiền mất đi cũng là tiền của nhà nước chứ không phải của cá nhân ai.
 
14h33’, Đại diện VKS bắt đầu đối đáp các quan điểm bào chữa của luật sư, bị cáo.

Về lời khai của bị cáo Trần Hải Sơn, dù các luật sư cho rằng chỉ là một chiều, kiểm sát viên cho rằng, tuy vậy, lời khai này phù hợp, được củng cố bằng rất nhiều các chứng cứ, lời khai của nhân chứng khác. VKS cho rằng không có gì để nói thêm về việc này.

Với đề nghị hủy án sơ thẩm, điều tra lại, điều tra cả những thông tin từ Nga, Singapore nhưng VKS cho thấy những chứng cứ thu thập được đủ điều kiện chứng minh tội phạm. Còn vấn đề tương trợ tư pháp nếu thực hiện được sau này thì tốt, có thể làm rõ thêm. Việc chuyển tiền 1,666 triệu USD về là có thật, không phải dựng lên.
 
Trả lời một số chi tiết cụ thể các luật sư đưa, ví dụ việc bồi thường của gia đình bị cáo Mai Văn Phúc mà chỉ áp dụng khoản 2 Điều 46 là chưa đúng, đại diện cơ quan công tố lật lại, đây là tiền do gia đình bị cáo bồi thường. Ngay tại phiên tòa này, chính bị cáo cũng phản đối việc làm này của gia đình. Số tiền so với hành vi của bị cáo cũng như thiệt hại gây ra thì rất nhỏ nên VKS vẫn không áp dụng khoản 1 Điều 46 như một tình tiết giảm nhẹ cho Phúc được.
 
Không kiến nghị tăng hình phạt cho bị cáo nào nhưng về trách nhiệm bồi thường, VKS cho rằng, 367 tỷ đồng tiền thiệt hại là một khoản không đổi, trừ đi 1,666 triệu USD tiền tham ô, còn lại cơ quan công tố tính chia cho các bị cáo. Đây là nguyên tắc chung trong xử lý án, không phải vì thế mà hủy án, điều tra lại như đề nghị của các luật sư.
 
Đề cập phản ứng của luật sư Trần Thị Hồng Phúc là chưa có yêu cầu bồi thường dân sự mà đã giải quyết việc này, VKS giải thích, đây là nghĩa vụ dân sự trong hình sự nên không cần chờ ý kiến của Vinalines vì nếu TCty không lên tiếng thì nhà nước chịu mất khoản tiền 367 tỷ đồng? Kiểm sát viên đề nghị luật sư xem lại khoản 1 Điều 42 Bộ luật tố tụng hình sự.
 
Về thắc mắc ngân hàng Citibank đã nhiều lần khẳng định thủ tục phát hành tín dụng thư để thanh tóan tiền mua ụ nổi 83M thực hiện đầy đủ, đúng quy định, VKS dẫn lại báo cáo giám định của cơ quan chức năng khẳng định các bị cáo đã “lách”, còn thiếu nhiều chứng từ đã trả tiền thanh toán ụ nổi.
 
Về việc tính thiệt hại gây ra của ụ nổi, bác lý lẽ kêu oan uổng của các bị cáo là chưa khấu trừ nhiều khoản chi phí vận chuyển, bảo hiểm… ụ nổi, VKS cho biết, thiệt hại tính ra hơn 500 tỷ đồng nhưng đã được trừ nhiều khoản, như giá trị của khối sắt phế liệu nằm tại Đồng Nai bây giờ vẫn được tính 37 tỷ đồng mới còn lại khoản 367 tỷ. Còn tính đến thời điểm này thì thiệt hại còn lớn hơn nhiều vì riêng tiền neo đậu ụ nổi mỗi tháng đã “toi” gần 1 tỷ đồng của nhà nước.
 
14h29’, Nhóm bị cáo là cán bộ hải quan Vân Phong, Hải Phòng Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng đồng nhất quan điểm “nhờ” luật sư, không có ý kiến thêm.

14h30’, Dương Chí Dũng xin được trình bày thêm, cáo trạng nói Dũng từng tham gia cuộc bàn bạc về vụ ụ nổi cùng Trần Hải Sơn tại phòng của Mai Văn Khang. Khang có mặt, ngồi đây cũng có thể xác minh không có chuyện đó. Chỉ duy nhất lời khai của Sơn nêu việc này.
 
14h27’, Cựu Đăng kiểm viên Lê Văn Dương xin được bổ sung một vấn đề, báo cáo kết luận giám định ụ nổi do Dương thực hiện đã phản ánh tình trạng thực tế của ụ nổi tại cảng Nakhodka Nga, chỉ trong báo cáo tổng hợp của Khang, Chiều làm sau đó trình các sếp Vinalines (có bị cáo cùng ký nháy) mới có nội dung không đúng với bản chất sự việc.
Bị cáo Lê Văn Dương tại tòa
Bị cáo Lê Văn Dương tại tòa
 
14h24’, Nguyên Trưởng Ban QLDA nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam Mai Văn Khang đứng dậy. Bị cáo nhấn mạnh việc bản thân không được hưởng lợi ích cá nhân từ việc tham gia khảo sát ụ nổi 83M tại Nga, không được chia chác gì từ thương vụ ụ nổi.
 
14h22’, Về việc ký nháy báo cáo khảo sát để trình HĐQT việc mua ụ nổi 83M, bị cáo Trần Hữu Chiều than “tình ngay lý gian” vì giấy tờ chấp nhận ký là tàu biển để đảm bảo thủ tục cho việc kéo thiết bị từ Nga về vì chỉ tàu mới có quyền hành trình trên biển. 
 
14h15’, Nguyên Phó Tổng GĐ Trần Hữu Chiều trình bày, dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam trước đó đã được cấp trên cho phép chỉ định thầu thay vì đấu thầu triển khai. Sau khi Trần Hải Sơn giới thiệu được một khu đất tại Bà Rịa – Vũng Tàu thì dự án đã chính thức chuyển động từ năm 2006.
 
Vinalines là một TCty đặc biệt, có thể được quyết định đầu tư với 50% vốn vay và cho ý kiến là tập thể Chính phủ chứ không phải Thủ tướng nữa. Vậy nên việc Thủ tướng nêu “đồng ý về nguyên tắc” là vậy.

Đến tháng 10/2007 dự án xây dựng nhà máy, trong đó có tiểu dự án ụ nổi đã xong thủ tục đầu tư. Nhưng thời điểm đó xảy ra vụ gây ô nhiễm môi trường của Vedan nên tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu thêm một chứng nhận môi trường (vì dự án này có khả năng gây ô nhiễm). Theo Chiều, nếu không có tình tiết này, dự án đã trót lọt.
 
Dương chí Dũng
Dương Chí Dũng cười vui vẻ trò chuyện với các luật sư trước giờ làm việc
 
14h3’, Cựu Tổng GĐ Vinalines Mai Văn Phúc lên tiếng. Bị cáo nêu rõ khi được bổ nhiệm làm Tổng GĐ Vinalines, dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam đã khởi động 14 tháng trước đó. Vai trò của Mai Văn Phúc theo đó chỉ là “kế thừa” việc đã rồi. Đánh giá vai trò của Phúc là đồng chủ mưu trong vụ cố ý làm trái là “oan uổng”.
 
Tòa nhắc, cắt những nội dung cho là bị cáo đã trình bày trước đó, Mai Văn Phúc vẫn cố “xin” được nói nốt.

Cố chứng minh sự phi lý trong lời khai nhận 5 tỷ đồng Trần Hải Sơn mang, giao cho Phúc tại quê An Dương, Hải Phòng dịp Tết 2008, Mai Văn Phúc lập luận, Sơn khai ra Hà Nội công tác vào ngày 29 tết nhưng kết quả xác minh không có chuyến bay nào có Sơn đi lại những ngày đó. Công việc tại TCty cũng đã nghỉ hết, không có gì để “ra công tác”. Theo Phúc, đây cũng là một “điểm mờ” cần làm rõ.
 
Vớt vát thêm câu sau cùng, cựu Tổng GĐ Vinalines lý lẽ: “Bị cáo với Dương Chí Dũng không đội trời chung thì chắc không thể bàn bạc, làm chuyện gì được. Vậy xin cứu xét điểm này”.
 
14h, Dương Chí Dũng được đề nghị tự bào chữa nhưng bị cáo cho biết đồng ý quan điểm các luật sư đưa ra, không thanh minh, không tranh luận gì thêm với đại diện cơ quan công tố.
 
Trước phiên xử, vẫn nguyên thái độ vui vẻ, thoải mái, Dương Chí Dũng đứng trước vành móng ngựa, vui vẻ bắt tay, trò chuyện với luật sư Hoàng Huy Được, Nguyễn Huy Thiệp (các luật sư bào chữa cho Mai Văn Phúc) trước vành móng ngựa, tay vẫn mang còng.
Nguồn: Dân Trí

0 nhận xét:

Đăng nhận xét