Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

Ask.fm và những hệ lụy từ mạng xã hội

Trào lưu hỏi đáp Ask.fm tuy không mới mẻ trên thế giới nhưng gần đây đã bắt đầu được biết đến nhiều hơn tại Việt Nam.

Mạng xã hội dành cho người dùng từ 13 tuổi trở lên này được đăng ký thành lập vào ngày 16/6/2010 tại Latvia. Sau đó, Ask.fm nhanh chóng trở nên phổ biến và đánh bại đối thủ Formspring bằng lượng người dùng đông đảo. Mạng xã hội này cho phép người đặt câu hỏi bất kỳ để người dùng khác tham gia trả lời. Chính vì tính hiếu kỳ và những câu hỏi cũng như câu trả lời đầy tính đầu óc, đậm chất gây cười đã nhanh chóng tạo sức hút. Sự thú vị mà Ask.fmđem đến cho người dùng đã giúp cho website này đứng trong top 10 các mạng xã hội được truy cập nhiều nhất trên toàn cầu với hơn nửa số người dùng dưới 18 tuổi.
Hai trang web đánh giá nổi tiếng là Webwise và Commonsense đã xếp hạng Ask.fm theo các tiêu chí riêng biệt và không quá bất ngờ khi Ask.fm luôn đạt được 3 - 4 trên 5 sao ở nhiều hạng mục liên quan đến các khía cạnh như bạo lực, sex, ngôn ngữ không lành mạnh… Webwise đánh giá đây là một website nguy hiểm cho người dùng trẻ tuổi vì nó có liên quan đến các vụ việc “bắt nạt qua mạng”, ẩn chứa nhiều nội dung dung tục và bạo lực. Hơn thế nữa, Ask.fm cũng khá nổi tiếng trên toàn cầu vì nó có liên quan đến nhiều vụ tự tử. Tính đến thời điểm này, có ít nhất 9 vụ tự tử được ghi nhận có liên quan đến Ask.fm và tất cả các nạn nhân đều dưới 18 tuổi.
Các trang mạng xã hội tương tự như thế hiện đang tràn lan trên internet và cũng vô cùng dễ dàng để người dùng tham gia sử dụng. Chỉ cần ít phút đăng ký hoặc liên kết dùng tài khoản Facebook hay email có sẵn là người dùng đã có thể sử dụng dịch vụ ngay lập tức. Một điều đáng chú ý đó là các trang xã hội như thế đều cho phép sử dụng ẩn danh và hoàn toàn không kiểm soát nội dung người dùng đưa lên hoặc kiểm soát cực kỳ sơ sài.
Ask.fm khác và hấp dẫn hơn những kênh hỏi và trả lời chính thống quen thuộc như Yahoo! Answers hay Ask.com ở chỗ nó cho phép đặt câu hỏi thẳng tới người bạn muốn hỏi mà không cần phải tiết lộ danh tính. Vì thế, những câu hỏi trên Ask.fm sẽ thường mang tính chất riêng tư hơn, “xoáy” hơn. Việc trả lời thế nào cho hay mà vẫn thành thật hoàn toàn là quyền quyết định của người bị hỏi. Chính sự thú vị của việc hỏi đáp không rào cản như thế mà Ask.fm thu hút được rất nhiều người dùng trên thế giới cũng như Việt Nam trong thời gian gần đây.
Những câu hỏi chọc ghẹo lẫn nhau được người dùng ưa thích
Hiện trang chính thức của Ask.fm trên Facebook đã có gần 3 triệu người nhấn Like, thêm vào đó là lượng người dùng tăng lên hàng ngày. Nhiều nhân vật nổi tiếng cũng bắt đầu sử dụng Ask.fm để thỏa mãn cơn khát phỏng vấn thần tượng của các fan hâm mộ như đạo diễn mới nổi Luk Vân, nhà văn Phan Ý Yên, ca sĩ Quang Vinh…
Bên cạnh sự thú vị và phấn khích mà Ask.fm tạo ra, không ít những khía cạnh tiêu cực tồn tại mà chúng ta cần phải đề cập đến. Xin nhấn mạnh rằng những điều này không chỉ xuất hiện riêng trên Ask.fm mà có thể nói rằng không một mạng xã hội nào là không có.
Các bậc phụ huynh đã rất lo ngại khi chứng kiến con cái họ tham gia vào những dịch vụ liên kết cộng đồng như thế. Nếu bạn là fan trung thành của môn thể thao vua thì chắc hẳn biết đến không ít các trường hợp cầu thủ bị dọa giết, hay đốt nhà,… trên các mạng xã hội nổi tiếng như Twitter, Facebook, Google+… Ngoài ra, còn có các kiểu chế giễu nhan sắc, tung ảnh, clip không được sự cho phép nhằm bêu rếu người khác trên mạng, tất cả chỉ để thu hút sự chú ý và tạo tiếng cười cho thiên hạ.
Gần đây, dư luận thế giới lại một lần nữa chấn động sau vụ tự tử của một nữ sinh Anh Quốc có tên Hannah Smith. Em gái 14 tuổi này đã treo cổ tự tử tại nhà riêng ở Lutterworth, hạt Leics sau khi gánh chịu những cuộc “tấn công tinh thần” trên mạng xã hội Ask.fm.
Vài tuần trước khi tự sát, Hannah có chia sẻ về tình trạng bị mụn trứng cá song bị cư dân mạng Ask.fm chế giễu với những lời bình luận hết sức khiếm nhã, xúc phạm. Ban đầu, Hannah còn khá bình tĩnh khi trả lời các tin nhắn khiêu khích song sự việc đau lòng đã xảy ra khi có kẻ nặc danh kích động em tự sát.
Đau lòng hơn, không lâu sau đó Ask.fm đưa ra thông báo lượng người dùng dịch vụ của mình tăng từ 65 triệu lên 70 triệu chỉ trong vòng 10 ngày, con số này có thể nói phần lớn nhờ vào lượng người dùng biết đến Ask.fm thông qua cái chết của cô bé Hannah. “Niềm vui” của Ask.fm được cha của Hannah miêu tả “như thể họ đang nhảy múa trên mộ của con bé”.
Sau các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến tính mạng người dùng, Ask.fm bị truyền thông đặc biệt chú ý và lên án nặng nề vì cho phép người dùng sử dụng dịch vụ trên cơ sở ẩn danh. Qua đó, họ có thể đưa ra những bình luận hoặc các câu hỏi mang tính chất xúc phạm hay thái quá về tình dục.
Ngay cả sau cái chết của Hannah, vẫn có rất nhiều luồng ý kiến xung quanh vụ việc. Thái độ của cộng đồng mạng cũng chia làm nhiều hướng, đa phần chia sẻ cảm thông trong khi một số khác lại không ngần ngại xoáy vào nỗi đau của gia đình nạn nhân bằng những lời lẽ vô tâm của mình. Nhiều người sau đó đề nghị Ask.fm cho công bố danh tính của những tài khoản thiếu tôn trọng với nạn nhân nhằm dạy cho họ một bài học. Qua ví dụ trên, có thể thấy được thái độ của một bộ phận không ít người dùng mạng xã hội đã trở nên rất lệch lạc, không chỉ là những người trực tiếp gây ra vụ việc mà còn là những người chứng kiến và bình luận vấn đề.
Trách nhiệm của người quản lý các trang mạng xã hội là quản lý người dùng cũng như nội dung đăng tải nhằm bảo vệ khách hàng của mình khỏi những hiểm họa tiềm tàng. Tuy nhiên, người dùng cần phải tự bảo vệ mình trước tiên, không thể chờ đợi người khác làm điều đó thay cho mình. Cần phải xây dựng một nền văn hóa lành mạnh trong cách tiếp cận những cái mới mẻ mang tính chất cộng đồng.
Nguồn: Echip


0 nhận xét:

Đăng nhận xét