Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Hà Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Những năm qua, hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Ảnh minh họa
Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020, nhằm đưa CNTT trở thành ngành kinh tế, kỹ thuật quan trọng, đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu thông tin mọi mặt của đời sống xã hội, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa toàn tỉnh.
Quá trình ứng dụng CNTT tại tỉnh Hà Giang không ngừng được quan tâm, đầu tư từ cấp tỉnh đến các ngành, các huyện, thành phố thông qua các dự án hoặc chi hoạt động thường xuyên của các đơn vị. Đặc biệt, từ khi thành lập Sở Thông tin và Truyền thông năm 2006, một số chương trình, kế hoạch có tính tổng thể được ban hành đã giúp cho việc ứng dụng CNTT được thống nhất, đồng bộ từ trên xuống dưới. 
Tính đến hết tháng 6/2013, hạ tầng công nghệ thông tin của các sở, ban, ngành tỷ lệ kết nối internet đạt trên 99%; 100% đơn vị đã có mạng LAN và kết nối Internet. Đối với các huyện, thành phố tỷ lệ máy tính kết nối Internet đạt gần 90%. Việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan chính là sự ra đời của Cổng Thông tin điện tử của tỉnh (http://hagiang.gov.vn) bao gồm 1 cổng chung và 17/45 trang thông tin điện tử thành phần của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, phản ánh đầy đủ các hoạt động của tỉnh; cung cấp 831 dịch vụ hành chính công ở cấp độ 1, 2 và cấp trên 3.300 hộp thư điện tử cho các đơn vị, cá nhân từ tỉnh đến huyện. Hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh cũng được triển khai với quy mô 13 điểm cầu bao gồm: Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh và Văn phòng UBND các huyện, thành phố. 
Ngoài ra, trong các cơ quan Đảng 100% đơn vị đã được triển khai các phần mềm ứng dụng cơ bản; phần mềm kế toán... Phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc được triển khai tới hầu hết các đơn vị quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh bao gồm 3 hệ thống phần mềm: M-Office. V-Office và E-Office. 
Tuy vậy, việc ứng dụng và phát triển CNTT giai đoạn 2013 - 2015 định hướng đến 2020 cần có sự đổi mới và vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp, ngành. Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh xác định: CNTT là động lực quan trọng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông, CNTT theo hướng hiện đại, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, doanh nghiệp, đưa CNTT trở thành động lực quan trọng góp phần bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững của tỉnh; nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan Nhà nước; tiết kiệm thời gian, kinh phí cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. 
Nâng chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT Index) của tỉnh đến năm 2015 lên mức khá so với các tỉnh, thành trong cả nước. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Định hướng đến năm 2020 hoàn thiện đường truyền Internet băng thông rộng đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đảm bảo 100% xã, phường, thị trấn được kết nối mạng LAN của tỉnh, từng bước thiết lập mô hình chính phủ điện tử từ tỉnh đến xã. Nâng tỷ lệ hộ gia đình có máy tính lên trên 50% và tỷ lệ người dân được sử dụng internet trên 70%. Cung cấp trực tuyến tất cả các dịch vụ công ở mức độ 3, 4. Đảm bảo trên 50% văn bản của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh được trao đổi hoàn toàn qua môi trường mạng.
Nguồn: Thanh tra

0 nhận xét:

Đăng nhận xét