Lã Hồ Thị Minh Khuê xuất sắc nhận học bổng toàn phần của ngôi trường danh giá ở Mỹ.
Khi giới thiệu Lã Hồ Thị Minh Khuê, thầy Khải, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 chuyên toán 1 THPT Hà Nội - Amsterdam, trìu mến xoa đầu cô gái bé nhỏ và nói: “May mà Harvard không đặt ra tiêu chí chiều cao, nếu không thì Khuê trượt”. Minh Khuê thẹn thùng nhưng gương mặt lại bừng sáng nụ cười...
Minh Khuê là con "nhà nòi", có mẹ làm báo, chịu ảnh hưởng từ mẹ (vốn học giỏi Toán, nhưng lại thi vào ĐH Tổng hợp Văn) nên cô đa tài, tự chủ, đầy cá tính ẩn trong vẻ ngoài mềm mại, nữ tính. Khuê từng đoạt giải bạc trong cuộc thi piano quốc tế tại Hàn Quốc năm 2010.
Tháng 6/2013, Khuê thực hiện thành công hai dự án nghệ thuật của mình là đêm hòa nhạc “Giai điệu Mùa Hạ” với bản Concerto Piano Beethoven N.3 cùng dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Nhạc Vũ kịch mà Khuê là pianist và một triển lãm nghệ thuật cá nhân mang tên “Tình yêu của tôi” trưng bày 22 tác phẩm hội họa mà Khuê sáng tác.
Thành công của hai dự án đó đã giúp Khuê gom được nguồn quỹ nho nhỏ, gây dựng 22 tủ sách cho một dự án sách hóa nông thôn. Suốt 12 năm học phổ thông, thỉnh thoảng, cô lại làm cho mẹ “đứng tim” khi tự đặt ra cho mình những thử thách để vượt qua.
Lã Hồ Thị Minh Khuê không chỉ học giỏi mà còn đa tài. Ảnh:T.P |
“Năm lớp 6, em còn nhỏ nên việc chọn học lớp chuyên Anh của THCS Giảng Võ là theo định hướng của mẹ. Em cũng đồng ý rằng, đó là một lựa chọn sáng suốt, bởi trong thời đại cảm hứng toàn cầu như hiện nay, muốn hòa nhập tốt với bạn bè quốc tế, thì sở hữu một khả năng tiếng Anh giỏi là chiếc chìa khóa vàng", Khuê cho biết.
Tuy nhiên, ngay từ bé, em đã rất yêu Toán học. Trong quá trình học, em may mắn được học và tiếp xúc với những thầy cô giỏi và truyền cho em niềm đam mê toán học, trong đó có cô giáo Đoàn Thị Nụ - người dạy em 4 năm THCS. Em dành nhiều thời gian với môn toán và nhận ra vẻ đẹp của toán học, để rồi đam mê nó. Đó là lý do dù đang có những thành tích vượt trội về tiếng Anh, từng đoạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp thành phố, em vẫn quyết định thi vào chuyên toán của trường Ams”, Khuê tâm sự.
Thoạt tiên, Khuê chỉ đỗ lớp toán 2. Với mục tiêu du học được đặt ra từ khá sớm, lẽ ra Khuê có thể “an phận” để tập trung chuẩn bị cho việc có một bộ hồ sơ “đẹp”, nhưng cô lại tiếp tục vượt qua thử thách: thi vào lớp toán 1. Theo Khuê, nếu chỉ làm những gì có lợi cho việc du học, như tập trung thi chuẩn hóa (SAT, SAT II, TOEFL…) và đạt điểm tổng kết các môn trên lớp cao (GPA)… thì vẫn chưa đủ.
“Em hiểu nền giáo dục đại học Mỹ trân trọng tất cả những ai biết cố gắng vì sự đam mê của chính mình. Em thích học môn toán nên em muốn thử sức mình trong những tình huống khó mà toán học đưa ra, vì toán học giúp ta nhận biết nhiều quy luật khách quan chứ không chỉ là những con số khô khan khó hiểu.
Không riêng với môn toán, khi tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động giáo dục khác, em không hề nghĩ đến chữ “du học” mà chỉ đơn giản nghĩ rằng, đây là công việc mình muốn làm, muốn dấn thân… và mình cần phải cố gắng. Cách đây hơn chục năm, khi lần đầu tiên bước vào các lớp học đàn, học vẽ, em đâu có hình dung được rằng, đó cũng chính là điểm bắt đầu của con đường đưa em đến cổng trường Harvard”, Khuê chia sẻ.
ĐH Harvard đã ghi nhận những cố gắng của Khuê bằng cách tặng cho cô suất học bổng trị giá 320.000 USD cho 4 năm học (bao gồm học phí, tiền sinh hoạt, tiền bảo hiểm, vé máy bay khứ hồi Mỹ - Việt 2 lần một năm…), chưa kể chi phí cho gia sư những môn nghệ thuật mà Khuê cần tới.
“Bạo gan” lựa chọn Havard, Khuê cho biết, em không bị cuốn hút bởi danh tiếng của trường này. Từng có một cuốn sách “Em phải đến Havard để học kinh tế". Em không học kinh tế thì đến Havard làm gì, phải chăng vì danh tiếng của nó?
Khuê đáp: “Cuốn sách đó được một bà mẹ người Trung Quốc viết từ năm 1998. Thời điểm ấy, nhận thức, quan điểm về việc đến Mỹ học đại học của người dân châu Á nhìn chung khác với bây giờ. Em muốn học ngoại giao và nghệ thuật ở Havard không chỉ vì ngôi trường này là nơi hoàn hảo để đào tạo ra những nghệ sĩ lớn, những nhà ngoại giao danh tiếng. Em chọn Havard trước hết bởi triết lý giáo dục của Harvard rất phù hợp với những gì em được dạy dỗ: “Chúng ta cần học để phát triển tố chất, chứ không phải vì có tố chất sẵn có mới được học”.
Nguồn: TPO
0 nhận xét:
Đăng nhận xét