Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Patrick Mc Govern – Ông hoàng ngành công nghệ thông tin

Những người trong giới truyền thông Việt Nam đều gọi Patrick Mc Govern với cái tên thân mật là “ông Pat”. Ông là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG), hãng này sở hữu 200 tạp chí và 460 website đồng thời tổ chức hơn 700 sự kiện tại 79 quốc gia trên thế giới.

Cuối tháng 3, tỷ phú sáng lập IDG - Patrick McGovern - nhà tiên phong trong lĩnh vực truyền thông thế giới, đã qua đời tại một bệnh viện ở Palo Alto (Mỹ) ở tuổi 76. Sự ra đi của ông là một điều mất mát lớn đối với ngành truyền thông Thế giới nói chung và truyền thông Việt Nam nói riêng.

Chân dung ông hoàng công nghệ thông tin Patrick Mc Govern trên New York Times.
Chân dung ông hoàng công nghệ thông tin Patrick Mc Govern trên New York Times.

Forbes nhận định rằng ông là một trong những tỷ phú tự thân lập nghiệp thành công nhất thế giới với số lượng tài sản khổng lồ, ông liên tục ghi danh trong danh sách tỷ phú của tạp chí Forbes từ năm 1982. Ông hiện có 5,7 tỷ USD và là người giàu thứ 244 thế giới theo xếp hạng của Forbes năm 2014...
Khởi nghiệp từ một cuốn sách và đi lên bằng 2 bàn tay trắng
Nghe thật lạ lẫm và phi lý nhưng sự thật là khi còn ở tuổi 14 – 15, cái tuổi lẽ ra còn vô tư, hồn nhiên thì ông Pat bắt dầu đọc cuốn sách của Edmund Berkeley mang tên “Giant Brains, or Machines That Think” (tạm dịch “Những bộ óc vĩ đại, hay những chiếc máy biết suy nghĩ) – một cuốn sách giúp tìm hiểu từng bước về cầu trúc máy tính và nó hoạt động như thế nào. 
Cuốn sách khiến ông bị kích thích và dồn hết tiền tiết kiệm đi mua các thiết bị cộng với việc sử dụng các đồ vật khác để lắp ráp một chiếc máy tính. Sau đó ông gửi nó đi tham gia một hội chợ khoa học và giành được học bổng của Học viện CNTT Massachisetts (MIT). Khi còn là học sinh trong trường, ông làm thêm trong một tạp chí đầu tiên về máy tính là Computers and Automatic ở Boston, gồm 7 người. Sau này, ông biết rằng tác giả cuốn sách ông từng đọc là người cho ra đời tạp chí này.
Ông tiếp tục đi làm và trau dồi thêm hiểu biết cho đến khi tốt nghiệp Học viện MIT năm 1959, Patrick Mc Govern được giữ chức Phó tổng biên tập của  của tạp chí Computers and Automatic.
Đến năm 1964, bằng số tiền 5.000 USD có được từ tiền bán xe, ông thành lập IDG. Sau đó, ông đã thuyết phục các công ty Xerox, Burroughs và Univac tạm ứng 7.500 USD tiền làm báo cáo điều tra khảo sát và thuê học sinh phổ thông đi đếm số máy tính trên toàn nước Mỹ để tiết kiệm chi phí. Ông đã có cuộc trò chuyện với Louis Rader (ông chủ của Univac) và chia sẻ rằng ông có thông tin về hệ thống 10.000 máy tính được lắp đặt trên toàn nước Mỹ và có thể liên lạc với tất cả các công ty để hỏi họ và hình thành bộ hồ sơ về thông tin khách hàng cần gì, sản phẩm nào khách hàng muốn mua. Sau đó 12 công ty mua dữ liệu của ông Pat với giá 20.000 USD.
Ba năm sau, tức năm 1967, ông cho ra đời một tạp chí hàng tuần với tên gọi Computer World.
Năm 1980, ông là một trong những doanh nhân Mỹ đầu tiên thành lập liên doanh tại Trung Quốc  và tiếp tục thành lập IDG Technology Ventures vào 12 năm sau, một trong những công ty đầu tư mạo hiểm đầu tiên ở thị trường đầy tiềm năng này. 
Chỉ trong nửa thế kỷ, ông Pat đã hình thành đế chế truyền thông khổng lồ trên toàn thế giới với doanh thu 3,55 tỷ USD. Theo tạp chí Forbes, năm 2013, IDG đứng thứ 128 trong danh sách những công ty tư nhân lớn nhất nước Mỹ.
Đầu tư mạo hiểm và chấp nhận kinh doanh với rủi ro
Ông Pat đã thành lập chiến lược kinh độc đáo mà không phải bất cứ công ty nào cũng làm được đó là thành lập Mô hình kinh doanh với rủi ro. Tức là với tư cách của một nhà đầu tư mạo hiểm, IDG sẽ bỏ tiền tài trợ vào các công ty mà IDG cho rằng có tiềm năng để phát triển và hoạt động sinh lợi. Theo đó IDG sẽ nắm cổ phần chính nhưng không can thiệp hay chi phối trực tiếp vào việc điều hành kinh doanh. Và nếu thành công thì công ty đó sẽ được niêm yết và IDG sẽ thu lợi từ đầu tư của mình. 
Đây là một mô hình đầu tư mạo hiểm chuyên nghiệp và rất thành công, đặc biệt tập đoàn truyền thông IDG được các chuyên gia ước đoán có giá trị tài chính lên tới 20 tỷ USD hoặc hơn. Ông Pat cũng thừa nhận rằng đây là mô hình mạo hiểm và có thể gặp nhiều rủ ro nhưng nó lại rất thu hút ông dù thông thường IDG chỉ thành công thực sự với 3-4 công ty trong số 10 công ty được mạo hiểm đầu tư và lợi nhuận lại có thể lên tới 30 – 35 % hoặc hơn.
Năm 2003, ông Pat quyết định đưa IDG Ventures Việt Nam vào hoạt động và đây là một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên về công nghệ thông tin tại thị trường Việt Nam với số vốn ban đầu lên tới 100 triệu USD và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong khoảng 2 năm tiếp theo. Tại đây, chiến lượng kinh doanh của IDG Ventures Việt Nam là 20% các khoản đầu tư mang về 80% tổng lợi nhuận cho quỹ. Và hiện nay một số đầu tư bước đầu thành công bao gồm Nhommua, CafeF, Chodientu, Vinagame,... Hiện nay, IDG VN đầu tư hơn 40 công ty trong nước và trở thành Quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu tại Việt Nam.
Niềm say mê với Việt Nam
Trong hơn 600 tỷ phú hàng đầu thế giới hiện nay thì có lẽ ông Pat là người biết rõ Việt Nam và được nhiều người Việt Nam biết rõ nhất. Ông là người dành tình cảm và sự quan tâm cho Việt Nam. Ông Nguyễn Trọng – Nguyên Tổng Biên Tập Tạp chí “Thế Giới Vi Tính – PCW Việt Nam”, Nguyên Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM xúc động chia sẻ: “ Pat và cộng sự của ông đã giúp chúng ta cái quý hơn tiền bạc rất nhiều, đó là thông tin, là tri thức, là cơ hội hội nhập quốc tế”.
Năm 1992, ấn phẩm quan trọng nhất của IDG là tạp chí PC World đã có mặt ở Việt Nam. Đến năm 2004 ấn phẩm thứ 2 của IDG là Computerworld cũng ra mắt độc giả ở Việt Nam. Ông Pat luôn có mong muốn hỗ trợ người dân Việt Nam và đặc biệt là lớp trẻ tiếp cận với thông tin diễn ra hàng ngày trong thế giới vi tính.
Ông Pat đến Việt Nam lần đầu năm 1994 và 5 lần tiếp theo nữa. Đặc biệt tháng 7 năm 2004, ông Pat đã sang cắt băng khánh thành chi nháng IDG tại Việt Nam. Tuy là một tỷ phú thế giới nhưng ông là người giản dị, dễ gần và thân thiện.
Ít ai biết rằng, khi sang Việt Nam, ông Pat và phu nhân luôn tranh thủ thời gian khám phá về con người và đất nước Việt Nam. Ông không ngần ngại ngồi ăn ở các quán vỉa hè, trò chuyện với con người Việt Nam từ lãnh đạo cấp cao đến những người bán máy vi tính. Đồng thời ông luôn để mắt so sánh, đánh giá Việt Nam như một địa điểm để đầu tư mới. Ông luôn đánh giá cao sự cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam trong 10 năm kể từ khi ông sang. Đặc biệt ông cũng bị ấn tượng mạnh vì sự tăng trưởng của công nghệ thông tin Việt Nam và có ý định mở rộng đầu tư ở đây. 
Cho đến khi mất (ngày 19/3 vừa qua tại Bệnh viện Stanford) ông vẫn để gia đình giữ kín nguyên nhân và không công khai tình hình sức khỏe. Ông vẫn công hiến cho ngành công nghệ thông tin và luôn lặng lẽ giữ lại những riêng tư trong cuộc sống.

Danh xưng “Ông hoàng” của ngành Công nghệ thông tin được trao cho ông Patrick Mc Govern không chỉ bởi tài năng và sự nhạy bén trong nghề mà còn bởi con người và “trái tim nóng” của ông. Sự ra đi của ông thực sự đã để lại một khoảng trống vô hình, và Chủ tịch mới được bổ nhiệm của IDG – Walter Boy bày tỏ: “IDG đã mất một nhà lãnh đạo có tầm nhìn đích thực, còn cộng đồng IT thì mất đi một trong những công dân xuất chúng nhất”.
Theo Seatimes

0 nhận xét:

Đăng nhận xét