Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

Gỡ nút thắt thuê dịch vụ công nghệ thông tin cho cơ quan nhà nước

Tổng Giám đốc MISA Nguyễn Xuân Hoàng (thứ hai từ phải sang) giới thiệu dịch vụ tới Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son. (Nguồn: Misa)


Tại Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với kiến nghị về chủ trương thuê dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước để tiết kiệm ngân sách, tạo thị trường, khuyến khích phát triển ngành công nghệ…

Tiết kiệm chi phí, thời gian 

Nhận định về vấn đề này, ông Đỗ Cao Bảo, Chủ tịch Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) cho biết, việc thuê dịch vụ công nghệ sẽ đem lại nhiều lợi ích.

Theo đó, thay vì phải bỏ ngân sách đầu tư cho tổng thể hệ thống công nghệ từ ban đầu, cơ quan nhà nước có thể chuyển sang hình thức thuê ngoài và việc này sẽ tạo đà thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ quan nhà nước.

Về mặt thời gian, người đứng đầu FPT IS cho hay, nếu đầu tư tổng thể, quy trình của cơ quan nhà nước phức tạp và mất nhiều giai đoạn từ thủ tục đầu tư, thiết kế đến chuẩn hóa công nghệ. Trong khi đó, nếu thuê thì cơ quan nhà nước chỉ cần đặt tmục tiêu đảm bảo chức năng công nghệ của hệ thống và thời gian thực hiện sẽ nhanh hơn.

Là đơn vị cho thuê hệ thống, các doanh nghiệp tư nhân sẽ phải biết cách tối ưu hóa phương thức đầu tư giá thành, giảm lãng phí mà vẫn phải đảm bảo chất lượng theo yêu cầu. Thêm vào đó, thay vì phải duy trì một bộ máy nhân sự lớn để xây dựng đề án, thiết kế, tổ chức triển khai, bảo trì, vận hành…, các cơ quan nhà nước có thể thuê nhân lực doanh nghiệp của bên ngoài và các doanh nghiệp sẽ tự biết sắp xếp nguồn lực để phục vụ khách hàng, tận dụng tối đa hiệu suất làm việc.

Cuối cùng, nhờ thuê ngoài để vận hành hệ thống nên lãnh đạo các cơ quan nhà nước có thể tập trung vào thực hiện công tác quản lý, bỏ bớt đi một gánh nặng quan tâm liên quan đến quản trị nhân lực công nghệ.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty MISA thì bổ sung, việc đi thuê sẽ khiến cơ quan nhà nước chỉ cần trả tiền cho những dịch vụ thực sự dùng đến cũng như luôn được dùng những sản phẩm mới nhất của doanh nghiệp cung cấp.

Ngoài ra, chi phí thuê trả theo hàng năm bao giờ cũng nhỏ hơn nhiều so với đầu tư mua sắm toàn bộ, đó là chưa kể việc các thiết bị công nghệ thông tin thường sớm lạc hậu nên có thời gian khấu hao rất nhanh (trung bình 2-3 năm)…

Cần có hành lang pháp lý


Chủ tịch FPT IS Đỗ Cao Bảo: Để đưa dịch vụ thuê ngoài vào thực tiễn, rất cần một hành lang pháp lý. (Ảnh: T.H/Vietnam+)


Lợi ích thì đã rõ, nhưng Tổng Giám đốc MISA Nguyễn Xuân Hoàng cho hay thực tế việc thuê dịch vụ công nghệ ở Việt Nam chưa mấy phát triển. 

Lý do mà ông Hoàng đưa ra là nhận thức của người dùng: “Hầu hết chúng ta vẫn theo lối tư duy phải sở hữu, nhìn thấy, phải cầm, nắm trong khi việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin thì chỉ tập trung vào mục tiêu đáp ứng nhu cầu chính là cho phép người thuê sử dụng mà không sở hữu.”

Còn ông Đỗ Cao Bảo thì nói tất cả các xu hướng mới thường xuất phát ở các nước phát triển, do đó các nước như Việt Nam, việc đi sau cũng là quy luật chung.

“Để có thể thực hiện được việc thuê ngoài, trình độ và khả năng nhận thức của lãnh đạo tổ chức phải cao để chuyển từ việc làm cụ thể (hệ thống công nghệ) sang việc chỉ cần lập kế hoạch và quản trị các doanh nghiệp làm dịch vụ bên ngoài,” ông Bảo nhấn mạnh.

Ông Bảo cũng thẳng thắn cho rằng, tại Việt Nam, trình độ công nghệ thông tin đã vượt lên trình độ phát triển kinh tế nên độ sẵn sàng của Việt Nam cũng cao hơn so với các nước có cùng mức thu nhập GDP. Tuy nhiên, so với các nước phát triển, chúng ta còn kém và việc có đưa dịch vụ này vào thực tiễn được hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào quyết tâm của lãnh đạo. 

Với việc Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với chủ trương thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, người đứng đầu FPT IS cho biết sẽ thúc đẩy dịch vụ này tại Việt Nam, nâng cao hiệu suất chung của hệ thống và hiệu quả đầu tư, giúp Việt Nam đi nhanh hơn so với những nước cùng trình độ.

Đồng tình, ông Nguyễn Xuân Hoàng kiến nghị cơ quan quản lý cần có cơ chế cho phép mua dịch vụ theo hình thức thuê bao hàng năm; sớm ban hành một số tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn phương pháp đánh giá, lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ; tạo cơ sở pháp lý là những tài sản thông tin, dữ liệu phải thuộc sở hữu của khách hàng, đặc biệt là với các dịch vụ đám mây… 

Ngoài ra, Chính phủ sớm ban hành các quy định khuyến khích, hướng dẫn việc mua sắm tài sản công nghệ thông tin theo hình thức thuê dịch vụ.

Ông Bảo đưa ra khuyến nghị các cơ quan như Bộ Thông tin và Truyền thông Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư cần có những văn bản hướng dẫn cho các cơ quan nhà nước lấy tiền ở đâu để dùng vào việc thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin; quy trình thực hiện ra sao?...

“Pháp lý hiện là vấn đề cần các cơ quan nhà nước mau chóng giải quyết để thực sự đưa dịch vụ thuê công nghệ thông tin vào triển khai trong thực tiễn,” ông Bảo chốt lại./. 
Nguồn: Vietnamplus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét