Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: 'Tôi không nghĩ đến dấu ấn cá nhân'

"Sự nghiệp đổi mới luôn bắt đầu từ sự đổi mới nhận thức. Tôi không nghĩ đến dấu ấn cá nhân mà mong có sự phát triển mạnh mẽ của nền giáo dục nước nhà" - Bộ trưởng GD&ĐT cho biết. Trong 2 giờ, ông đã giải đáp 40/500 câu hỏi của độc giả gửi đến cuộc phỏng vấn trực tuyến.
- Cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian trả lời trực tuyến của VnExpress. Ông có thể cho biết ngắn gọn tại sao lại gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT với kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH và mục tiêu của ông là gì? (Minh Thắng, 56 tuổi, Hà Nội)
- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Xin chào các độc giả của VnExpress. Tôi rất vinh dự được trả lời những băn khoăn của độc giả liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia. Những lý do để Bộ Giáo dục thay đổi thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ là: 
Căn cứ vào nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, phải đổi mới phương thức thi theo hướng giảm áp lực, tốn kém, đảm bảo tin cậy và trung thực, đồng thời cung cấp căn cứ làm cơ sở cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Trong nghị quyết 29 cũng lưu ý cần đổi mới tuyển sinh theo hướng kết hợp sử dụng kết quả tuyển sinh từ kết quả học phổ thông và yêu cầu đào tạo.
Chúng ta phải căn cứ vào luật, gồm Luật Giáo dục quy định tổ chức kỳ thi để xét và công nhận tốt nghiệp; Luật Giáo dục ĐH quy định cơ sở giáo dục ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và tự chịu trách nhiệm. Nghĩa là Bộ không được tổ chức tuyển sinh ĐH mà phải để tự chủ cho các nhà trường mà cũng không thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp.
Căn cứ trực tiếp là từ kết luận của Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục phải đưa ra phương án thi bắt đầu từ 2015 và phải được công bố công khai vào quý III/2014 nhằm thực hiện 2 luật nêu trên.
Yêu cầu của kỳ thi là phải tạo ra căn cứ tin cậy, chính xác, trung thực kết hợp với kết quả học tập lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp căn cứ tin cậy cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Đồng thời kỳ thi cũng phải được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, thuận tiện cho thí sinh, tránh căng thẳng và tốn kém của cá nhân và xã hội.
- Ông từng nói đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục quốc dân là trận đánh lớn của cuộc đời ông, vậy việc gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ có phải là trận mở màn? (Minh Anh, 40 tuổi, Hà Nội)
- Bộ trưởng: Nếu nói là mở màn thì chúng tôi đã làm nhiều việc trước đấy như sử dụng chương trình, cách dạy cách học tiếng Việt; thay đổi cách dạy, cách học và cách thi cử ở tiểu học; thay đổi cách dạy từ truyền thụ kiến thức sang phát triển kỹ năng, tổ chức kỳ thi nghiên cứu khoa học của học sinh THPT; thay đổi cách ra đề thi, chấm thi tốt nghiệp năm 2014... Nối tiếp những công việc đã và đang làm, Bộ đi đến thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015. Đó là một công việc trong chuỗi công việc mà ngành giáo dục đang làm.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận:
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: "Chúng tôi đã làm nhiều việc trước khi mở màn".
- Tôi nghĩ, hiện nay Bộ chủ yếu nghĩ đến các thí sinh dự thi đại học. Tỷ lệ này khá thấp so với các thí sinh thi tốt nghiệp. Học sinh của tôi, 100% các em thi tốt nghiệp mà phải đi hàng trăm km về thành phố dự thi. Vậy Bộ GD&ĐT có nghĩ đến sự lãng phí này hay chưa? Chỉ nghĩ đến quãng đường đi từng ấy cây số để dự thi tốt nghiệp đã đủ làm các em hoảng loạn mất rồi. (Nguyễn Sơn, 37 tuổi, Lào Cai)
- Bộ trưởng: Khi thiết kế phương án thi THPT quốc gia thì đối tượng đầu tiên chúng tôi quan tâm và ưu tiên là học sinh, bao gồm cả học sinh THPT, GDTX, cả đối tượng dự thi chỉ để công nhận tốt nghiệp, và các cháu có nhu cầu xét tuyển vào ĐH, CĐ. Chúng ta giảm được một kỳ thi thì sẽ giảm được kinh phí rất lớn để tổ chức hội đồng ra đề, kinh phí in sao, vận chuyển, bảo mật, chi cho các lực lượng đảm bảo an toàn bí mật, thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo, tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở của thí sinh và phụ huynh. Những năm trước các cháu thi để vừa tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, phải thi 2 lần, đi xa nhà, đến các cụm thi tại các thành phố lớn... thì bây giờ chỉ đi 1 lần. Lần này xa hơn lần thi tốt nghiệp nhưng gần hơn lần đi thi ĐH trước đây.
Về bài thi, trước đây các cháu phải làm 7 bài gồm 4 bài tốt nghiệp và 3 bài của một khối thi, cháu nào thi 2 đợt thì phải thi 3 môn nữa, nếu dự thi hết phải thi 13 bài. Giờ các cháu làm tối thiểu 4 bài, nếu đăng ký thêm thì có thể 5-6, tối đa là 8 bài. Như vậy bài thi làm ít, thời gian lưu trú ngắn, thí sinh không phải về các trung tâm thành phố thì chi phí đỡ đắt đỏ, những khó khăn về mặt kỹ thuật sẽ giảm thiểu. Về phía nhà trường, ngân sách trung ương sẽ tiết kiệm được nhiều.
Đối với các cháu chỉ thi để xét công nhận tốt nghiệp sẽ thi 4 môn - số lượng bài thi như những năm trước. Đi lại thì xa hơn, trước đây từ xã lên huyện thì nay phải lên tỉnh. Chúng tôi chủ trương các cháu không phải nộp lệ phí thi. Chi phí phát sinh về di chuyển thì ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ. Các địa phương sẽ tổ chức đưa học sinh đến điểm thi an toàn, thuận lợi. Nguồn kinh phí hỗ trợ được lấy từ khoản tiết kiệm được do bỏ một kỳ thi. Trước đây địa phương phải lo 100% cho các cháu thi tốt nghiệp, nay chỉ lo cho một phần nhỏ các cháu chỉ thi tốt nghiệp, tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 20%, như vậy tiết kiệm được 80% so với trước đây.
Chúng tôi đã trao đổi với nhiều giám đốc Sở Giáo dục, trong đó có đại diện tất cả các miền từ miền núi đến đồng bằng để kiểm tra khái quát. Trong kỳ thi tốt nghiệp năm trước, kinh phí chi từ ngân sách bình quân là 400.000 đồng mỗi cháu. Chúng ta có khoảng một triệu học sinh, ngân sách phải chi khoảng 400 tỷ đồng. Nhưng năm nay chỉ có khoảng 20% học sinh có nhu cầu thi tốt nghiệp THPT mà không thi ĐH, CĐ, như vậy dự kiến giảm được khoảng 320 tỷ đồng. Một phần trong khoản tiết kiệm này sẽ được dùng để hỗ trợ học sinh chỉ thi tốt nghiệp.
Học sinh và phụ huynh, kể cả các cháu chỉ thi tốt nghiệp không có gì khó khăn. Chi phí nhà nước được tiết kiệm, chi phí của thí sinh phải bỏ ra không tăng. Những khó khăn khác sẽ có hỗ trợ như thanh niên tình nguyện, các hình thức xã hội hóa giúp các cháu vượt qua bỡ ngỡ. Như vậy Bộ đã tính toán đến lợi ích của học sinh và tiết kiệm chi phí cho ngân sách, giảm áp lực xã hội.
[Caption]
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Cục trưởng Khảo thí Mai Văn Trinh và các chuyên gia của Bộ Giáo dục tham gia trả lời câu hỏi của độc giả.
- Kính thưa Bộ trưởng, từ khi tôi biết quan tâm đến kỳ thi tốt nghiệp và cải cách giáo dục ở Việt Nam thì cũng hơn 20 năm rồi. Xin hỏi Bộ trưởng là khi nào thì công cuộc cải cách giáo dục sẽ hoàn thiện? Vì giờ tôi có con nhỏ rồi mà cải cách từ đời bố đến giờ vẫn chưa xong, tôi sợ con tôi tiếp tục được tham gia vào dịch vụ giáo dục thử nghiệm. Nếu được mong Bộ trưởng trả lời bằng một con số cụ thể! (Trần Kiên, 40 tuổi, Sơn La)
- Bộ trưởng: Theo nghị quyết của Quốc hội vừa mới thông qua thì chương trình và sách giáo khoa mới sẽ được triển khai từ năm 2018, việc cuốn chiếu sẽ được tiến hành đồng thời ở cả 3 cấp học. Quá trình cải cách diễn ra từ năm 2018 kéo dài trong 5 năm. Công việc này đang được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo. Bộ Giáo dục đang triển khai theo kế hoạch này. 
- Cháu muốn hỏi cách tính điểm liệt cho kỳ thi quốc gia năm 2015 đối với hệ THPT và hệ GDTX sẽ như thế nào ạ? (Đồng Đức Tuấn, 25 tuổi, Dương Kinh, Hải Phòng)
- Cục trưởng Mai Văn Trinh: Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, quy chế quy định: Để được xét công nhận tốt nghiệp, các bài thi của thí sinh phải đạt điểm lớn hơn 1 (thang điểm 10). Trong dự thảo quy chế thi THPT quốc gia 2015 dự kiến sử dụng thang điểm 20. Do vậy, dự kiến các bài thi của thí sinh phải đạt điểm lớn hơn 2 (thang điểm 20).
botruong9-8082-1419305534.jpg
Cục trưởng Khảo thí Mai Văn Trinh (bên phải): "Thang điểm 20 sẽ giúp thí sinh bớt thiệt thòi, các bước trung gian sẽ được ghi nhận chi tiết hơn".
- Tôi xin hỏi trong trường hợp có nhiều hồ sơ có điểm số bằng nhau thì các trường sẽ căn cứ vào tiêu chí nào để xét tuyển. (Ngô xuân Tuyến, 44 tuổi, Linh đàm, Hoàng mai, Hà nội)
- Cục trưởng Mai Văn Trinh: Công tác tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các trường ĐH, CĐ theo Luật Giáo dục ĐH. Các trường sẽ có quy định cụ thể về công tác tuyển sinh để vừa đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh đồng thời đáp ứng chất lượng nguồn tuyển trên cơ sở các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào. Các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng tiêu chí phụ để lựa chọn các thí sinh có cùng điểm. Các em theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường để thực hiện. 
- Mỗi thí sinh có đến 16 cơ hội đậu vào các trường ĐH, CĐ. Như vậy có thể nói trừ những em không đỗ tốt nghiệp thì hầu như mọi thí sinh đều có chỗ trong một trường nào đó, vậy chất lượng đầu vào có thể nói là "thượng vàng hạ cám", ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo và việc làm khi ra trường. Vấn đề này sẽ tiếp tục làm tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" trầm trọng hơn. Bộ trưởng có giải pháp gì để hạn chế vấn đề này. (Tran Quang Huong, 54 tuổi, Thu Duc TP HCM)
- Bộ trưởng: Cơ hội, nguyện vọng đăng ký vào trường khác với chỉ tiêu. Các cháu có thể đăng ký là tăng cơ hội cho các cháu, còn có vào hay không dựa vào kết quả điểm. Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường sẽ được xác định căn cứ trên điều kiện đảm bảo chất lượng. Cụ thể là căn cứ vào số lượng giáo viên cơ hữu nhà trường hiện có, diện tích xây dựng tính trên đầu sinh viên, đảm bảo cho việc dạy và học cũng như ăn ở của sinh viên.
Dựa trên chỉ tiêu này nhà trường sẽ xét các cháu từ điểm cao nhất xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu. Vì vậy không có chuyện buông lỏng chất lượng và "thượng vàng hạ cám".
- Cháu thắc mắc về việc thi liên thông thẳng chung đợt với kỳ thi tuyển sinh 2015 thì thủ tục nộp hồ sơ, các môn thi và cách chấm điểm như thế nào. Cháu xin nói thêm là cháu vừa tốt nghiệp cao đẳng tháng 09/2014 và có nguyện vọng thi liên thông vào năm nay. (Đỗ Thị Thu Thảo, 22 tuổi, Hoài Nhơn, Bình Định)
- Cục trưởng Mai Văn Trinh: Với đối tượng thí sinh thi liên thông dự thi THPT quốc gia để tuyển sinh vào ĐH, các em chỉ đăng ký thi các môn phù hợp với quy định về khối thi do trường ĐH quy định cụ thể cho các ngành. Các thí sinh này cùng làm một đề thi chung như các đối tượng khác, công tác coi thi chấm thi cũng được thực hiện giống như thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Việc đăng ký dự thi sẽ có hướng dẫn cụ thể cho mọi đối tượng tham gia dự thi. 
- Thưa Bộ trưởng, ngành giáo dục liên tục nói giảm tải, nhưng tôi thấy chả giảm được bao nhiêu. Các con tôi nói học ở lớp rất nhẹ nhàng, nhưng thi cử bài quá khó, đó là chưa nói đến thi ĐH, CĐ. Nếu không đi học thêm thì chả làm được. Vậy phải chăng khẩu hiệu giảm tải chỉ nằm trên văn bản giấy tờ, hô hào khẩu hiệu, chứ không thực chất? Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình. (Hồng Khánh, 39 tuổi, Quảng Ngãi)
- Bộ trưởng: Giảm tải là chủ trương nhất quán của Bộ Giáo dục trong quá trình thực hiện nghị quyết 29 của trung ương. Chúng tôi đã chỉ đạo triển khai trong toàn hệ thống và cũng chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra việc triển khai chủ trương này ở cơ quan Bộ cũng như các cơ sở giáo dục ở địa phương. Xét bình diện chung trên cả nước đã có những chuyển biến tích cực, nhiều trường thực hiện khá tốt, tuy nhiên chưa đồng bộ. Còn những trường, thầy cô chưa thay đổi đồng bộ giữa việc tổ chức dạy và kiểm tra, thi cử, đánh giá. Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc một cách mạnh mẽ, hy vọng các bậc phụ huynh, chính quyền địa phương, các tổ chức như hội Khuyến học, Cựu giáo chức sẽ phối hợp cùng Bộ.
- Cùng với đổi mới thi cử, Bộ đang thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Những phụ huynh học sinh như tôi rất mong Bộ trưởng trả lời, bao giờ thì chương trình học phổ thông được giảm tải và giảm tải khoảng bao nhiêu phần trăm so với hiện nay? (Lan Anh, 35 tuổi, Hà Nội)
- Bộ trưởng: Từ 3 năm nay Bộ đã chỉ đạo giảm tải chương trình hiện hành. Cùng với đó là thay đổi cách dạy cách học, đánh giá, kiểm tra, thi cử theo hướng không bắt các cháu học thuộc lòng, không khuyến khích sử dụng bài văn mẫu... Chương trình mới sẽ được thiết kế theo hướng giảm tải và chuyển sang hướng phát triển năng lực cho học sinh. Lúc đó việc truyền thụ kiến thức cho học sinh không phải mục tiêu duy nhất mà chúng ta hướng tới việc giúp cho học sinh hình thành kỹ năng và phẩm chất của người lao động mới. Cách tiếp cận như vậy sẽ giảm tải rất nhiều so với chương trình hiện nay.
- Theo em khi đã đi thi thì chỉ có điểm thi thôi, tại sao lại phải cộng điểm của các kỳ học phổ thông nữa, nếu thế thì sẽ nảy sinh ra rất nhiều tiêu cực, con nhà giàu, con em giáo viên... lực học trung bình sẽ được học sinh giỏi hết, như thế không công bằng. (Nguyễn Hồng Vân, 18 tuổi, Phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)
- Cục trưởng Mai Văn Trinh: Từ năm 2014 đã sử dụng kết hợp điểm thi 4 môn với điểm trung bình học tập lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp. Việc sử dụng phối hợp điểm học tập với điểm thi để xét tốt nghiệp cũng giúp học sinh tránh được rủi ro khi chỉ tính điểm thi để xét tốt nghiệp như những năm trước. 
Đây là một trong những biện pháp góp phần khắc phục tình trạng học lệch của học sinh hiện nay. Cụ thể là các em phải cố gắng học đều các môn để đáp ứng yêu cầu tối thiểu của tất cả các môn học khi kết thúc bậc THPT. Trên cơ sơ đó, các em đầu tư thêm vào những môn phù hợp với năng lực, sở trường của mình để phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ. Chủ trương này hướng tới phát triển toàn diện năng lực cho học sinh. Trách nhiệm của các nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục là phải đảm bảo tính khách quan, công bằng trong kiểm tra đánh giá. Ngành giáo dục đào tạo đã và đang tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để các nhà trường thực dạy, thực học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. 
- Trong dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT quy định thí sinh có chứng chỉ tương đương với trình độ từ bậc 3 trở lên được miễn thi do nhận định, trình độ này cao hơn nhiều so với yêu cầu về ngoại ngữ đối với học sinh hoàn thành chương trình THPT. Tuy nhiên, việc miễn thi chỉ “để xét công nhận tốt nghiệp”. Thí sinh muốn xét tuyển vào những trường ĐH, CĐ phải dự thi môn Ngoại ngữ. Như thế đồng nghĩa nhiều “chứng chỉ quốc tế có uy tín” là vô giá trị trong việc “xét tuyển vào những trường ĐH, CĐ”, trong khi tất cả các trường ĐH, CĐ danh tiếng trên thế giới khi xét tuyển đầu vào đều thừa nhận những chứng chỉ đó. Vậy Bộ có nên xem xét quy định nâng bậc xét tuyển vào trường ĐH, CĐ cho thí sinh có chứng chỉ quốc tế, như thế vừa hợp thời, vừa tiết kiệm? (Hoàng Phong, 35 tuổi)
- Bộ trưởng: Đây là năm đầu tiên Bộ tiến hành việc xét miễn thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ với những chứng chỉ có uy tín. Ý kiến của độc giả chúng tôi sẽ lưu tâm xem xét trong quá trình tổ chức kỳ thi này và rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện. Nhưng cũng cần phải nói việc tuyển sinh ĐH là quyền tự chủ của các nhà trường, khi xét tuyển học sinh xét từ điểm cao đến thấp, còn xét tốt nghiệp chỉ cần đạt chuẩn, nên việc sử dụng kết quả chứng chỉ ngoại ngữ là 2 trường hợp khác nhau.
botruong15_1419311873.jpg
 
- Tôi là phụ huynh, quá sốc khi Bộ Giáo dục thay đổi kỳ thi tốt nghiệp và đại học. Tôi đã định hướng cho con theo đúng quy chế của Bộ Giáo dục là thi theo ban, theo khối. Nay lại thay đổi, cả phụ huynh và học sinh đều bối rối, không biết sẽ phải làm thế nào? (Hưng Yên, 45 tuổi, Hưng Yên)
- Bộ trưởng: Để thi tốt nghiệp các cháu phải thi 4 môn trong đó có 3 môn bắt buộc, một môn tự chọn. Điều này không có gì thay đổi so với trước. Thi để xét tuyển đại học vẫn là tổ hợp các khối thi, môn thi như trước. Các trường có thể có thêm tổ hợp khối thi mới. Nhưng Bộ đã quy định chỉ tiêu để xét khối thi mới không vượt quá 25%. Đồng thời các nhà trường muốn bỏ khối thi truyền thống, thay khối thi mới phải thông báo trước ít nhất 3 năm. Tức là khi học sinh vào lớp 10 đã biết để định hướng việc học tập. Nên con của bạn chuẩn bị thi theo ban nào thì cứ thi theo ban đó.
- Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sau khi có quy chế hoàn chỉnh sẽ được kéo dài ít nhất là bao nhiêu năm? Tôi có con thi vào năm 2017, liệu quy chế hiện hành còn tác dụng? (Đỗ Trọng Trung, 43 tuổi, Hải Phòng)
- Bộ trưởng: Theo quyết định của Quốc hội, chương trình sách giáo khoa mới sẽ được triển khai vào năm học 2018-2019. Số học sinh vào đại học của chương trình này nhanh nhất là 2021. Như vậy quy chế hiện nay sẽ ổn định đến 2021.
- Cho em hỏi, trong dự thảo quy chế thi có ghi ít nhất 2 tỉnh một cụm thi, là cụm dành cho thí sinh xét ĐH, CĐ hay chỉ xét tốt nghiệp? Nếu các trường không đủ điều kiện mà Bộ đưa ra thì môn tiếng Anh đổi thành môn khác, có nghĩa là môn tiếng Anh trở thành môn tự học sinh chọn hay môn do trường, Sở hay Bộ chọn cho học sinh? Khi nào thi tốt nghiệp và đại học hết thay đổi? (Nguyễn Quốc Vĩnh, 35 tuổi, Cà Mau)
- Cục trưởng Mai Văn Trinh: Kế thừa những ưu điểm của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm qua, kỳ thi THPT quốc gia 2015 sẽ được tổ chức thành các cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì. Với các địa phương có khó khăn, nếu địa phương đề nghị, Bộ sẽ thành lập cụm thi tỉnh dành cho những thí sinh dự thi chỉ để tốt nghiệp THPT. Cụm thi này cũng do ĐH chủ trì. Như vậy các cụm thi liên tỉnh cũng sẽ dành cho các thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp đối với các địa phương thuận lợi (Nếu địa phương có điều kiện thuận lợi, không đề nghị thành lập cụm thi tỉnh thì các thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp cũng sẽ dự thi ở cụm thi liên tỉnh).
Với môn Ngoại ngữ, nếu điều kiện dạy học không đảm bảo (đội ngũ giáo viên không đủ, không đạt chuẩn; học sinh học không liên tục; điều kiện trang thiết bị dạy học không đảm bảo...) thì giám đốc Sở GD&ĐT quyết định cho phép học sinh được chọn môn thi thay thế (trong số các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa) cho môn Ngoại ngữ. 
Quy chế hiện tại, như Bộ trưởng đã trả lời, sẽ ổn định đến năm 2021.
[Caption]
 
- Trên tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà, Bộ chủ trương đề ra phương thức thi mới theo hướng giảm áp lực và tốn kém. Tuy nhiên, phương thức này liệu có mang lại hiệu quả cao nhất khi độ tin cậy chưa cao, cụ thể các kỳ thi THPT còn nhiều bất cập, các trường tự chủ tuyển sinh sẽ đảm bảo được tính minh bạch và tin cậy hay sẽ dẫn tới việc đào tạo tràn lan và không có chất lượng như hiện nay? (Nguyen Thanh Tan, 24 tuổi)
- Bộ trưởng: Kỳ thi THPT quốc gia giữ lại những ưu việt của việc tổ chức thi tuyển sinh ĐH - phương thức được các chuyên gia trong ngành và cả xã hội tin tưởng. Điều đó có nghĩa là những lo lắng của xã hội về mức độ tin cậy thấp vào kỳ thi THPT quốc gia đã được loại bỏ. Để hình thành người lao động mới thì phần lớn tùy thuộc vào thay đổi trong giáo dục đại học mà Bộ đang chỉ đạo triển khai. Việc thay đổi nội dung dạy, học, thi, kiểm tra đánh giá góp phần từng bước chuyển việc dạy truyền thụ kiến thức sang hình thành năng lực và phẩm chất của người học, góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học như bạn quan tâm.
- Xin Bộ trưởng giải đáp một số băn khoăn của cháu như sau: Theo đề án thi quốc gia thì đề thi sẽ dùng chung cho cả hệ THPT và GDTX, mặc dù đề sẽ sử dụng phần giao thoa giữa hai chương trình, nhưng rõ ràng là mức độ của hai hệ là khác nhau (giống chương trình nhưng khác về mức độ), vậy có dẫn tới sự thiệt thòi cho học sinh GDTX không?(Nguyễn Đức Mạnh, 32 tuổi)
- Cục trưởng Mai Văn Trinh: Kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Do vậy, đề thi phải đáp ứng được yêu cầu nói trên. Đề thi gồm các câu hỏi ở mức độ cơ bản (phù hợp với cả học sinh THPT và GDTX), thí sinh chỉ cần trả lời được các câu hỏi này là đủ đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp; các câu hỏi ở mức độ nâng cao dần nhằm phân hóa kết quả thí của thí sinh để sử dụng trong tuyển sinh. Đề thi sẽ được xây dựng để đáp ứng yêu cầu này, đảm bảo quyền lợi của cả học sinh THPT và học viên GDTX.
botruong16_1419311887.jpg
- Bộ Giáo dục có đường dây nóng riêng không thưa Bộ trưởng để người dân có thể phản ánh, góp ý và xây dựng một nền giáo dục vững mạnh cho nước nhà. (Nguyễn Hồng Anh, 28 tuổi)
- Bộ trưởng: Chúng tôi đã công bố địa chỉ email của Bộ trưởng từ nhiều năm nay. Đó là pvluan@moet.edu.vn và địa chỉ của Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục là cucktkd@moet.edu.vn; Vụ Giáo dục Trung học là vu.gdtrh@moet.edu.vn; Vụ giáo dục tiểu học là vugdth@moet.edu.vn. 
Với các chủ trương lớn của Bộ ngành, Bộ đều công bố dự thảo để lấy ý kiến góp ý của người dân. Chúng tôi mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến cho các công việc của Bộ.
- Thưa thầy, như những năm trước đây, khi đăng ký nguyện vọng để tuyển sinh vào các trường ĐH, nếu em rớt nguyện vọng 1 thì khi nộp hồ sơ ở nguyện vọng 2, điểm chuẩn sẽ tăng lên rất nhiều. Như vậy, theo những quy định mới về kỳ thi quốc gia năm nay, nếu em rớt nguyện vọng 1 thì khi em đăng ký nguyện vọng 2 ở một trường khác, thì điểm chuẩn có tăng lên không?(Lê Lan Quỳnh Như, 17 tuổi)
- Cục trưởng Mai Văn Trinh: Dự thảo quy chế quy định điểm trúng tuyển đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước. Khác với những năm trước, trong kỳ thi THPT quốc gia sau khi có kết quả thi thí sinh mới lựa chọn đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH phù hợp với kết quả thi của mình. Phần mềm quản lý thi cũng sẽ cung cấp thông tin cập nhật về tình hình tuyển sinh của các trường để thí sinh biết, cân nhắc thay đổi, lựa chọn đăng ký xét tuyển. Cách làm này tạo thuận lợi cho thí sinh, góp phần khắc phục tình trạng thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn có thể trượt ĐH như những năm trước đây. 
- Nguyên Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân từng phát biểu: Đào tạo theo yêu cầu (đặt hàng) của doanh nhiệp. Sau khi kế nhiệm vị trí Bộ trưởng, ông có tiếp tục với "kế hoạch" này nữa không? Nếu không thì ông có ý tưởng nào khác hay hơn? Tôi nghĩ đây cũng là vấn đề quan trọng trong việc định hướng tuyển sinh ĐH, CĐ mà Bộ cần nên xem xét. (Tống Phước Minh, 35 tuổi, TP Huế)
- Bộ trưởng: Việc đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu xã hội là chủ trương nhất quán của Bộ GD&ĐT. Trong thời gian qua chúng tôi đã cụ thể hóa theo hướng: chỉ đạo và khuyến khích các trường ĐH mời các doanh nghiệp tham gia vào quá trình góp ý, thiết kế chương trình đào tạo; có những báo cáo sinh hoạt chuyên môn, tạo điều kiện cho việc thực tập của sinh viên, đánh giá chất lượng sinh viên tốt nghiệp, đồng thời chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp lớn thành lập các trường đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp...
- Với quá nhiều vấn đề còn tồn đọng và tiêu cực trong ngành giáo dục và xã hội hiện tại, tôi thấy xét tuyển vào đại học chắc chắn sẽ bỏ sót những con người giỏi thật sự. Bộ trưởng nghĩ thế nào về việc này? (Vĩnh, 42 tuổi, Quảng Nam)
- Bộ trưởng: Trước đây thí sinh đăng ký nguyện vọng trước khi tổ chức kỳ thi, từ năm 2015 các em thi trước, trên cơ sở kết quả đó mới cân nhắc lựa chọn xét tuyển vào các trường phù hợp. Điều này khắc phục việc các cháu điểm cao mà không đỗ, các trường cũng tuyển được người giỏi hơn vào học.
- Xin hỏi Bộ trưởng có biết thực trạng giáo dục đại học hiện nay đặc biệt là ngành sư phạm, điểm đầu vào thấp, đào tạo kém chất lượng. Đào tạo ra lứa cử nhân sư phạm không phải tất cả nhưng đa phần là yếu về năng lực và kém về phẩm chất đạo đức. Bộ có giải pháp gì để giải quyết cái nguồn của giáo dục nước nhà như vậy không? (Hoàng Tiến Minh, 27 tuổi)
- Bộ trưởng: Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là vấn đề then chốt của giáo dục và đổi mới giáo dục. Do vậy chúng tôi đang tập trung vào việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy, kiểm tra đánh giá của các trường sư phạm, lưu tâm cả lĩnh vực đào tạo mới và bồi dưỡng đào tạo lại đội ngũ hiện nay, để có đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu mới. Đồng thời chúng tôi đang rà soát việc quy hoạch mạng lưới và phương thức tổ chức quản lý các trường ĐH trên cả nước trong đó có trường sư phạm. Chúng tôi cũng dừng tuyển sinh đào tạo từ xa với chuyên ngành sư phạm nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém hiện nay.
- Kính thưa Bộ trưởng, xét trên tình hình thực tế xã hội bây giờ, tấm bằng đại học đã không còn giá trị như trước đây vì số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường mỗi năm là quá nhiều. Có thể nói vui là nước ta đang "phổ cập đại học" cho thế hệ trẻ. Vì vậy, tôi muốn hỏi bác Bộ trưởng rằng "giá trị của tấm bằng tốt nghiệp" có còn không để phải tiếp tục tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm? (Nguyễn Trung Dũng, 20 tuổi)
- Bộ trưởng: Chúng ta đang chủ trương phân luồng không chỉ vào ĐH mà còn các trường nghề. Thứ hai, giáo dục phổ thông là giáo dục nền tảng, theo Luật Giáo dục thì vẫn phải tổ chức thi để xét tốt nghiệp THPT cho học sinh. Thứ ba, tổ chức thi tốt nghiệp không chỉ nhằm đánh giá chất lượng của học sinh mà còn đánh giá chất lượng ngành giáo dục, từ đó có chính sách phù hợp để phát triển giáo dục.
- Em thật sự sững sờ trước thông báo dự kiến áp dụng thang điểm 20. Xin Bộ cho con biết căn cứ nào mà năm nay Bộ lại chọn thang điểm 20. Và quyết định có đi ngược lại lời nói "không thay đổi quá nhiều tránh gây ảnh hưởng tâm lý phụ huynh và học sinh" hay không? Quyết định này đã tham khảo qua những nhà giáo dục, những trường ĐH, trường THPT, phụ huynh và học sinh hay chưa? Hay đó chỉ là quyết định cảm tính của Bộ!(Trần Nam Hiếu, 18 tuổi)
- Cục trưởng Mai Văn Trinh: Để đáp ứng mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp, vừa làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ thì yêu cầu phân hóa kết quả thi được đặt ra cao hơn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ riêng biệt như những năm trước đây. 
Việc sử dụng thang điểm 10, chấm đến 0,25 như trước đây, có thể dẫn đến tình trạng thí sinh trả lời đúng các bước trung gian, nhưng không được tính điểm vì chưa đến kết quả cuối cùng dẫn đến thiệt thòi. 
Với việc dự kiến mở rộng thành thang điểm 20, chấm đến 0,25 thì thang điểm được chia dày hơn (thang điểm 10 là 40 mức, thang điểm 20 là 80 mức), những kết quả trung gian mà thí sinh làm được sẽ được chấm và ghi điểm. Như vậy có lợi cho thí sinh. 
Mặt khác, mở rộng thang điểm cũng hỗ trợ tốt hơn cho các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Với thang điểm 10, số lượng thí sinh cùng đạt một mức điểm là lớn. Ví dụ nếu điểm trúng tuyển là 17 điểm thì còn thiếu một số chỉ tiêu nhưng hạ xuống 16,5 thì lại vượt chỉ tiêu quá mức cho phép. Với việc dùng thang điểm 20 chia thành nhiều mức sẽ góp phần khắc phục tình trạng này. Do đó, tạo thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh vừa đáp ứng chỉ tiêu, vừa bảo đảm chất lượng nguồn tuyển. 
Cần lưu ý là việc sử dụng thang điểm 20 không làm thay đổi cách làm bài thi của thí sinh. Một số khó khăn khi dùng thang điểm này thuộc về cán bộ chấm thi. Khó khăn này sẽ được khắc phục với tinh thần trách nhiệm cao nhất của ngành, với việc tập huấn trước khi chấm thi. 
Để tạo thuận lợi, đảm bảo quyền lợi thí sinh, ngành giáo dục sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các nhà giáo, học sinh, phụ huynh và xã hội để hoàn thiện quy chế thi, hướng tới tổ chức thành công kỳ thi quốc gia THPT 2015. 
- Thưa Bộ trưởng, mục tiêu của đổi mới tuyển sinh thì chắc chắn ai cũng hiểu rồi, nhưng còn có rất nhiều người băn khoăn đến độ tin cậy và trung thực của kỳ thi THPT tổ chức tại các cụm Sở, xin bộ trưởng cho biết làm thế nào để không có các "Đồi Ngô" hoặc "Rừng Ngô" như nhiều năm trước? (Pham Thi Lan, 40 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội)
- Bộ trưởng: Tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là kế thừa những tốt đẹp của kỳ thi 3 chung tuyển sinh ĐH, CĐ. Do vậy nó cũng cho phép hạn chế những tiêu cực như vụ Đồi Ngô mà bạn đề cập. Phương án thi theo cụm đã được triển khai từ 13 năm nay tại Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh (Nghệ An) và gần đây có Hải Phòng.
Phương án này đã được thử thách, kiểm nghiệm và nhận được sự tin cậy của xã hội. Năm nay mở rộng thêm các cụm thì Bộ đã làm việc với các trường, địa phương để có phương án đáp ứng yêu cầu. Hơn nữa các cụm thi này có ban chỉ đạo gồm lãnh đạo UBND tỉnh, giám đốc Sở GD&ĐT của địa phương có học sinh thi, giám đốc Công an tỉnh và Giám đốc các Sở liên quan. Chủ tịch Hội đồng thi là lãnh đạo các trường ĐH do Bộ Giáo dục giao nhiệm vụ.
- Nội dung đề thi tuyển sinh đại học có khác gì so với cấu trúc chung của các năm qua? (Đặng Ngọc Đức, 24 tuổi, Hà Nội)
- Cục trưởng Mai Văn Trinh: Trong kỳ thi THPT 2015, đề thi sẽ tương tự như đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 với nội dung trong chương trình phổ thông chủ yếu lớp 12. Đề thi tiếp tục sử dụng các câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, các câu hỏi mở để trả lời chứ không đặt nặng việc ghi nhớ máy móc số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. 
- Thi cử là khâu cuối cùng của cả quá trình học tập và rèn luyện. Vậy muốn có kết quả tốt thì chúng ta phải đổi mới quá trình trước, sau đó mới đổi mới thi cử. Tại sao Bộ lại lựa chọn hướng đi ngược lại làm cả xã hội hoang mang? (Phương Anh, 29 tuổi, Nha Trang)
- Bộ trưởng: Như đã trả lời ở trên, chúng tôi đã triển khai đổi mới nội dung, phương pháp dạy học từ nhiều năm nay, việc đổi mới thi cử này được triển khai đồng bộ với việc đổi mới kiểm tra đánh giá trong quá trình dạy học.
- Theo Bộ trưởng, với nền giáo dục phổ thông chúng ta có thể một lúc ôm cả 2 công việc là cung cấp kiến thức tổng quát toàn diện trên tất cả các mặt và bồi dưỡng đào sâu năng lực sở trường của học sinh không? Nếu không thì Bộ trưởng chọn công việc nào? (Hữu Phước, 21 tuổi, Đà Nẵng)
- Bộ trưởng: Việc cung cấp kiến thức và phát triển năng lực học sinh là gắn bó với nhau, được triển khai song song. Nói đến nhà trường thì phải nói đến việc truyền thụ kiến thức, nhưng mục tiêu của việc này là học sinh phải vận dụng được kiến thức vào cuộc sống. Thông qua việc vận dụng này sẽ bộc lộ được năng khiếu, sở trường, chúng ta sẽ phát hiện và giúp học sinh phát huy được sở trường đó.
- Áp lực lớn nhất của Bộ trưởng trong lúc này là gì? (Anh Thơ, 40 tuổi, Hà Nội)
- Bộ trưởng: Tôi không nghĩ đến áp lực, tôi đang tập trung nghĩ đến các giải pháp tổ chức, triển khai kỳ thi THPT quốc gia và công việc của ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
- Cháu đang học lớp 12, sắp bước vào kỳ thi đại học và đang rất hoang mang với những đổi mới trong quy chế thi tốt nghiệp và đại học 2015. Cháu xin phép được hỏi, nếu xét tuyển đại học sẽ xét điểm học kỳ I hay cả năm lớp 12 hay như thế nào ạ? Và thời gian đăng ký các môn tự chọn là khi nào ạ? (Nguyễn Lương Tịnh Yên, 17 tuổi, 165 Xô Viết Nghệ Tĩnh,TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk)
- Cục trưởng Mai Văn Trinh: Các trường ĐH, CĐ tuyển sinh riêng đều có đề án tuyển sinh, trong đó chỉ rõ cách thức tuyển sinh của trường. Các đề án này được công bố rộng rãi trên trang điện tử của trường và website của Bộ GD&ĐT, báo Giáo dục và thời đại. Các em có thể tìm hiểu đầy đủ thông tin về tuyển sinh qua các website này. 
- Em đọc được thông tin về dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH năm 2015. Được biết thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế có uy tín tương đương B1 châu Âu sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ và được điểm 10, em muốn hỏi chứng chỉ quốc tế tương đương ở đây là những loại chứng chỉ nào và thang điểm yêu cầu cho từng loại chứng chỉ là bao nhiêu? Em xin chân thành cảm ơn. (Vũ Hương Văn, 17 tuổi, Đồng Nai)
- Cục trưởng Mai Văn Trinh: Việc miễn thi Ngoại ngữ cho các thí sinh có chứng chỉ quốc tế theo quy định để xét tốt nghiệp THPT được chỉ rõ tại công văn số 6031 ngày 23/10/2014 của Bộ GD&ĐT trong đó chỉ rõ loại chứng chỉ và mức điểm đạt được để miễn thi. Ví dụ: tiếng Anh là các chứng chỉ TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 45 điểm, IELTS 4,0 điểm. Bộ GD&ĐT dự kiến các thí sinh đủ điều kiện miễn thi sẽ nhận điểm tối đa môn Ngoại ngữ để xét tốt nghiệp THPT.
Các em cần lưu ý để lấy điểm Ngoại ngữ xét tuyển vào trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh thì phải đăng ký dự thi môn Ngoại ngữ ở kỳ thi này. Chủ trương miễn thi Ngoại ngữ nhằm khuyến khích thực dạy thực học Ngoại ngữ đáp ứng cả 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết. 
- Thưa Bộ trưởng, cơ chế nào để điều tiết kinh phí tổ chức thi tuyển THPT từ các địa phương sang các trường ĐH? Bởi từ năm tới, các trường ĐH sẽ tổ chức thi tuyển. (Anh Thơ, 46 tuổi, Hà Nam)
Theo mô hình chúng tôi đã triển khai từ 13 năm nay tại Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh (Nghệ An), Hải Phòng, mô hình là hình thành ban chỉ đạo thi tại các cụm do một lãnh đạo UBND tỉnh làm trưởng ban, với sự tham gia của lãnh đạo trường ĐH, các Sở Giáo dục, Sở Công an, Tài chính, Giao thông, Điện lực và nhiều ban ngành khác. Đồng thời, có một hội đồng thi do lãnh đạo trường ĐH được giao nhiệm vụ làm chủ tịch, dưới đó là các ban in sao đề thi, coi thi, thanh tra, chấm thi... Trong quá trình tổ chức kỳ thi thì có sử dụng lực lượng thầy cô của các trường phổ thông.
Hội đồng thi sẽ làm việc với các Sở, ban ngành và cơ quan liên quan để đảm bảo kỳ thi diễn ra bình thường và chỉ đạo các việc liên quan đến chuyên môn của đề thi. Công việc này đã làm nhiều năm và đi vào quy trình ổn định, năm nay chỉ mở thêm các cụm thi mới. Tất cả các trường ĐH đã quen với việc này.
- Khó khăn nhất Bộ trưởng gặp phải khi đưa ra chủ trương đổi mới là từ đâu? Cấp trên, các nhà giáo, các nhà khoa học, phụ huynh, học sinh, báo chí...? (Hồng Khánh, 45 tuổi)
- Bộ trưởng: Quyết định chiến lược về đổi mới giáo dục không phải do tôi đưa ra mà từ Ban chấp hành trung ương Đảng và được khẳng định trong văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11. Công việc mà chúng tôi đang triển khai khó khăn nhất là thói quen cũ liên quan đến nhận thức và tư duy, trước hết là của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên và xã hội.
botruong19_1419311842_1419311900.jpg
"Khó khăn nhất khi quyết định đổi mới giáo dục là thói quen cũ liên quan nhận thức tư duy của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và xã hội".
- Kể từ khi công bố kênh thông tin tiếp nhận ý kiến trực tiếp từ người dân, ông đã nhận được bao nhiêu câu hỏi và cách thức xử lý như thế nào?(Hồng Khánh, 45 tuổi, Hà Nội)
- Bộ trưởng: Chúng tôi có tổ chức một nhóm công tác bao gồm những cán bộ quản lý và chuyên gia thường trực tiếp tiếp nhận xử lý thông tin do một Thứ trưởng trực tiếp chỉ đạo. Cá nhân tôi thường xuyên nghe báo cáo, đọc trực tiếp các ý kiến này và cũng nhận được nhiều email. Các kênh truyền thông cũng chuyển nhiều ý kiến cho chúng tôi.
Chúng tôi thường xuyên cập nhật, phân loại, phân tích, xử lý để hoàn thiện phương án.
- Điều lo lắng nhất của Bộ trưởng trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới là gì?(Thu Hương, 40 tuổi, Hà Nội)
- Bộ trưởng: Tôi không có điều gì quá lo lắng cả. Tôi tin rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng thuận của toàn xã hội, sự quyết tâm của ngành xã hội và với kinh nghiệm chúng tôi đã có sẽ triển khai thắng lợi kỳ thi này. 
- Một ngày làm việc của Bộ trưởng như thế nào? Ông bắt đầu từ lúc mấy giờ và kết thúc lúc mấy giờ? (Anh Thơ, 46 tuổi, Hà Nam)
- Bộ trưởng: Một ngày làm việc của tôi bắt đầu từ 6h sáng. Tôi xử lý công việc khoảng một giờ. 7h tôi đến cơ quan hoặc đi công việc. Buổi tối thì tùy theo công việc, thường thì phải dứt công việc thì mới về được. Thường 19h30-20h thì rời khỏi văn phòng.
- Tại sao hòa bình đã 40 năm mà chúng ta vẫn luôn loay hoay với cải cách giáo dục làm cho nhiều thế hệ học sinh và cả xã hội thấy bất an? Tôi nghe thí dụ như Hàn Quốc cách đây vài chục năm họ copy nguyên xi sách giáo khoa của Nhật, trừ lĩnh vực xã hội hay địa lý, còn chúng ta thì đến nay vẫn tranh cãi về vấn đề này, hay cả về triết lý giáo dục... Tại sao vậy? (nguyễn Hà, 60 tuổi)
- Bộ trưởng: Trong nghị quyết của Đảng đã nói chúng ta phải kế thừa thành tựu và kinh nghiệm đã có của Việt Nam, học hỏi có chọn lọc thành tựu của giáo dục quốc tế phù hợp với điều kiện của Việt Nam để vừa cập nhật được tiến bộ nhưng phải giữ được bản sắc và đặc trưng của con người Việt Nam mới. Vì vậy chúng ta phải tránh cả hai khuynh hướng: không học hỏi những tiến bộ của thế giới, hoặc sao chép máy móc, không chú ý đến điều kiện cụ thể của đất nước và của ngành giáo dục.
- Bộ trưởng nghĩ thế nào về việc nhiều học sinh chọn du học như cách thức để đảm bảo tương lai? Được biết con trai ông đang học lớp 12, ông có cho con du học? Ông có cho con đi học thêm không? (Hồng Minh)
- Bộ trưởng: Việc các cháu đi du học cũng là dấu hiệu của sự phát triển đất nước. Ngay từ thời chiến tranh chúng ta cũng đã cử học sinh đi học nước ngoài, ngày nay số lượng đó nhiều hơn. Tôi thì mong cùng với việc nhiều học sinh du học thì có nhiều học sinh đến Việt Nam học, trở thành giao lưu bình thường. 
Nhưng cũng cần nói thành công của một con người không phải là học ở đâu, như tôi học ở trường làng, do các thầy ở làng dạy. Thành công là do quá trình phấn đấu, rèn luyện, tự học mà có.
Con tôi có đi du học hay không là do cháu quyết định, bố mẹ sẽ thảo luận và quyết định sau. Cháu có học thêm tiếng Anh nhưng chủ yếu học trên mạng, còn các môn văn hóa từ nhỏ đến nay không học thêm. Cháu đang học trường chuyên Khoa học tự nhiên.
- Trước khi là bộ trưởng, ông từng là một nhà giáo. Mong muốn của ông về sản phẩm của giáo dục là gì? (Anh Minh, 46 tuổi, Nam Định)
- Bộ trưởng: Trước khi lên Bộ công tác tôi giảng dạy và quản lý ở ĐH Thương mại từ 1976 đến 2004, nghĩa là gần 30 năm. Tôi luôn mong muốn sinh viên của mình khi ra trường có thể tạo ra được công việc cho mình, đúng chuyên môn và tạo được công việc cho người khác chứ không phải đi xin việc.
- Mỗi lãnh đạo đều mong muốn có dấu ấn cá nhân trong thời gian đương nhiệm. Liệu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trong đó có đổi mới thi cử, có phải là dấu ấn cá nhân của ông trong suốt thời gian làm Bộ trưởng Giáo dục?  (Thùy Nhi, 28 tuổi, Hà Nội)
- Bộ trưởng: Tôi không nghĩ đến dấu ấn cá nhân mà tôi mong muốn có sự phát triển mạnh mẽ của nền giáo dục nước nhà.
Sự nghiệp đổi mới mấy chục năm qua luôn bắt đầu từ sự đổi mới nhận thức. Bên cạnh việc giữ lại những nề nếp tốt đẹp, ta cũng phải mạnh dạn đổi mới những điều không phù hợp. Trên cơ sở thảo luận góp ý, chúng tôi cân nhắc mọi khía cạnh của vấn đề để tạo ra sự đồng thuận không chỉ trong kỳ tuyển sinh quốc gia tới đây mà trong cả những công việc khác ngành giáo dục đang làm.
Cá nhân tôi và các đồng nghiệp luôn rất nghiêm túc, thận trọng, thực sự cầu thị lắng nghe ý kiến đóng góp từ nhiều phía, có trách nhiệm khi đưa ra quyết định, không chỉ với sự nghiệp chung mà còn với từng học sinh, trong đó có cả con chúng tôi.
Quy chế tuyển sinh năm nay mới là dự thảo, chúng tôi đang tiếp tục lắng nghe góp ý của nhân dân để hoàn thiện và đưa ra phương án tối ưu.
Nguồn: Vnexpress.net

0 nhận xét:

Đăng nhận xét