Facebook bất ngờ sáp nhập WhatsApp cuối tháng 2/2014 với giá cao chưa từng có. Sự kiện này khiến giới truyền thông phải dõi theo tầm nhìn của Facebook, cố gắng trả lời câu hỏi "Tại sao?".
Để thâu tóm WhatsApp, Mark Zuckerberg - giám đốc điều hành Facebook - đã quyết đoán trả giá 19 tỉ USD, giá cao chưa từng có trong lịch sử những vụ sáp nhập của các công ty công nghệ. Có ý kiến cho rằng với giá ấy, Facebook có thể mua... Sony. Giới đầu tư hầu như đều nhận định giá trị thực của WhatsApp thấp hơn nhiều. Riêng những nhà đầu tư đã rót vốn cho WhatsApp khởi nghiệp tỏ ra vô cùng hào hứng khi tài sản của họ ở WhatsApp tăng đến 50 lần sau năm năm!
Sự kiện Facebook sáp nhập WhatsApp gợi nhớ việc Zuckerberg quyết định mua Instagram giữa năm 2012 với giá gấp đôi giá thị trường và thực tế đã chứng tỏ đó là quyết định sáng suốt. Phát biểu tại hội thảo Mobile World Congress (MWC - Barcelona, 2/2014), Zuckerberg khẳng định giá trị của WhatsApp thực ra cao hơn giá mà Facebook đã trả! Cũng như với Instagram, Zuckerberg nêu rõ ý định giữ nguyên trạng WhatsApp, để WhatsApp phát triển độc lập. Điều đó nghĩa là WhatsApp sẽ không theo mô hình kinh doanh của Facebook, không thu lợi nhuận từ quảng cáo.
Với gần nửa tỉ người dùng, dịch vụ WhatsApp đang tăng trưởng tốt, đặc biệt tại Châu Âu. Có lẽ WhatsApp sẽ có được một tỉ người dùng trong tương lai không xa. Dù vậy, với những nhà đầu tư "tỉnh táo", phí dịch vụ 1 USD/năm (sau năm đầu miễn phí) của WhatsApp không quá hấp dẫn. WhatsApp rất khác với Facebook, vì sao Facebook cần WhatsApp đến vậy trong khi Facebook cũng đang tăng trưởng tốt? Zuckerberg đã thấy được những gì mà người khác không thấy?
Mark Zuckerberg phát biểu tại Mobile World Congress (Barcelona, Tây Ban Nha, 2/2014).
Năm 2009, hai kỹ sư từng làm việc cho Yahoo! - Brian Acton và Jan Koum - sáng lập Công ty WhatsApp, cung cấp dịch vụ nhắn tin cho điện thoại có kết nối Internet, không phụ thuộc vào nhà mạng nào. Tên gọi WhatsApp là cách nói trại từ câu hỏi "What's Up?" (có chuyện gì không?), nhấn mạnh mục tiêu của WhatsApp là đáp ứng nhu cầu liên lạc bằng tin nhắn. WhatsApp hoạt động trên nhiều loại điện thoại thông minh: iPhone, điện thoại dùng hệ điều hành Android, Windows Phone và điện thoại BlackBerry.
Sau khi cài đặt WhatsApp, người dùng biết được ngay những ai trong danh bạ điện thoại của mình cũng đang dùng WhatsApp, những ai đang trực tuyến như mình. Tin nhắn WhatsApp có thể kèm âm thanh, hình tĩnh và hình động (video). Từ khi cung cấp chức năng nhắn tin trong nhóm (chat group), WhatsApp tạo nên một mạng xã hội với khả năng liên lạc tức thời, với những mối quan hệ mật thiết.
Thành công của WhatsApp dường như không có gì bí ẩn: WhatsApp đem đến sự thuận tiện trong giao tiếp xã hội hằng ngày và thực sự tiết kiệm chi phí cho người dùng, đặc biệt khi họ kết nối với Internet qua sóng Wi-Fi. Dù người dùng kết nối Internet bằng sóng di động, tin nhắn WhatsApp ứng với một lượng dữ liệu rất nhỏ, có thể xem là tin nhắn miễn phí. Chính "công thức" của WhatsApp kéo theo hàng loạt dịch vụ tương tự khắp thế giới.
Brian Acton (trái) và Jan Koum - hai người sáng lập WhatsApp.
Theo tính toán của nhà bình luận Sam Biddle (tạp chí Gizmodo), mỗi tin nhắn gửi qua Internet chỉ tốn khoảng 2/10000 của xu (cent) nếu căn cứ vào giá cước dữ liệu 25 USD cho 2 GB của nhà mạng AT&T tại Mỹ. Trong khi đó, một tin nhắn SMS bình thường tốn 20 xu (trong mạng AT&T và Verizon) nếu không dùng cước trọn gói. Do vậy, nếu gửi 5000 tin nhắn WhatsApp (chuyện bình thường ở tuổi thiếu niên), người dùng chỉ tốn khoảng một xu. Nếu gửi 5000 tin nhắn SMS, người dùng phải trả đến 1000 USD (một trăm ngàn lần hơn!). Biddle cho rằng các nhà mạng đang tận thu quá đáng đối với tin nhắn SMS vì so với cuộc gọi thông thường, dữ liệu tí ti của mỗi tin nhắn SMS (160 byte) chỉ như "sinh vật đơn bào trên lưng con khủng long", tạo ra chi phí không đáng kể trên hạ tầng mạng di động (nếu bỏ qua chi phí nhất định trong truyền tải liên mạng). Chính vì vậy, một số nhà mạng đã bỏ hẳn cước tin nhắn SMS (như tại Đan Mạch).
Nói cho chính xác, khi tính chi phí cho tin nhắn WhatsApp, cần kể đến phí dịch vụ 1 USD/năm. Dù sao, không thể bác bỏ ưu thế tuyệt đối của tin nhắn truyền qua Internet so với tin nhắn SMS/MMS thông thường.
Mạng Internet tạo nên môi trường mở, xóa bỏ tính cát cứ của các mạng di động. Khi cung cấp dịch vụ kết nối Internet, các nhà mạng di động lập tức phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều loại dịch vụ thông tin trên Internet. Doanh thu toàn cầu từ tin nhắn SMS đang giảm hàng chục tỉ USD mỗi năm. Tại hội thảo MWC, WhatsApp thông báo quyết định cung cấp thêm chức năng gọi điện thoại (khác với tin nhắn âm thanh hiện có). Chắc chắn đó là điều mà các nhà mạng di động không hề mong đợi.
Tính hiệu quả tạo nên xu hướng không thể cưỡng lại, không thể đảo ngược. Dịch vụ Internet di động ngày càng phát triển. Do áp lực cạnh tranh, không nhà mạng nào dám đứng ngoài cuộc chơi lớn. Sẽ đến lúc mọi điện thoại đều kết nối Internet, WhatsApp và những dịch vụ tương tự chắc chắn ngày càng mạnh mẽ. Có lẽ Zuckerberg đã hình dung rõ ràng tương lai ấy.
Giới truyền thông lý giải về việc Facebook mua WhatsApp theo nhiều cách, cố gắng đoán nhận ý định thực sự của Facebook. Nhiều ý kiến cho rằng Zuckerberg lo sợ mất cơ hội trong lĩnh vực dịch vụ di động nên phải nhanh chóng "giữ chỗ", cho rằng Zuckerberg thấy trước giai đoạn "thoái trào" của Facebook nên phải tiến hành các biện pháp dự phòng, phải "đa dạng hóa" đầu tư. Cũng có ý kiến cho rằng Facebook đang muốn dùng WhatsApp để tích lũy thêm thông tin về người dùng, nhận biết số điện thoại, nhận biết những mối quan hệ xã hội quan trọng nhất của người dùng Facebook. Từ đó, bỗng dưng có đề xuất... tẩy chay Facebook và WhatsApp!
Riêng Zuckerberg giải thích đơn giản: "Nếu chúng tôi làm điều gì đó tốt cho thế giới, cuối cùng chúng tôi sẽ biết được cách thu lợi từ đó". Facebook tự đặt cho mình sứ mạng thúc đẩy việc hình thành một thế giới "mở và kết nối", trong đó việc giao tiếp tức thời bằng tin nhắn với chi phí thấp có vai trò đặc biệt quan trọng. Facebook tìm thấy ở WhatsApp một phương tiện để thực hiện sứ mạng của mình. Facebook cần WhatsApp chính vì WhatsApp khác với Facebook, vì WhatsApp là "phần bổ sung tuyệt vời cho Facebook" (a great fit for Facebook), theo cách nói của Zuckerberg.
"Nhiều người cương quyết theo đuổi con đường mà họ đã chọn, chỉ một số ít người theo đuổi mục tiêu của họ". Có lẽ Zuckerberg thuộc về số ít người mà triết gia Friedrich Nietzsche nhắc đến.
Nguồn: echip.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét