Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Tỷ lệ tốt nghiệp có đánh giá chất lượng thật?

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao dẫn đến hậu quả là phân luồng học sinh sau THCS khó thực hiện và chắc chắn mất cân đối nguồn nhân lực.
Với tỷ lệ tốt nghiệp hệ THPT 99,02% (cao hơn năm trước một chút) và hệ GDTX là 89,01% (cao hơn gần 10%), Bộ GD-ĐT cho rằng kỳ thi tốt nghiệp năm nay thể hiện được sự đổi mới, giảm áp lực và có tác động tích cực trở lại việc dạy và học. Thế nhưng, vẫn có những vấn đề mà người dân chưa hoàn toàn an tâm đối với kỳ thi này.
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT trên 99% , theo nhìn nhận của nhiều người, chưa phải là chất lượng thật của giáo dục phổ thông hiện nay (Ảnh: Đào Ngọc Thạch) 
Mâu thuẫn với thực tế địa phương
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, tỷ lệ tốt nghiệp THPT trên 99% phản ánh được thực chất việc dạy và học ở các địa phương, đúng năng lực và kiến thức của học sinh. Tuy nhiên, điều này lại mâu thuẫn với một số địa phương, một số sở GD-ĐT lại không dựa vào tỷ lệ tốt nghiệp để đánh giá chất lượng các trường.
Chẳng hạn, năm nay TP.HCM không lấy tỷ lệ tốt nghiệp để đánh giá mà lấy tỷ suất đào tạo, tức tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trên số học sinh tuyển vào lớp 10 trong 3 năm trước cộng với học sinh chuyển đến và trừ đi số chuyển đi. Mới đây, chúng tôi có dịp nghiên cứu chất lượng giáo dục của một huyện miền núi. Báo cáo của huyện cho thấy chất lượng giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, huyện này có 5 trường THPT và một trung tâm GDTX thì kết quả tốt nghiệp chung của huyện 3 năm qua đạt trên 99,5%. Rõ ràng chúng ta không thể đánh giá chất lượng giáo dục của huyện này thấp được.
Nhìn rộng ra trên thế giới, ít quốc gia nào đạt được con số 99% học sinh tốt nghiệp THPT. Ngay ở Mỹ cũng đang “phấn đấu” để đạt trên 80%.
Học sinh chưa dựa trên nền tảng tự học
Ngoài ra, theo chúng tôi, con số 99% tốt nghiệp không phải học sinh tự học, mà rất nhiều em phải dựa vào học thêm, luyện thi mới đạt được. Giáo sư, viện sĩ Nguyễn Cảnh Toàn (nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục) cho rằng: "Dạy thêm và học thêm tràn lan là một vấn nạn của ngành giáo dục hiện nay". Như vậy, một nền giáo dục mà chưa dựa trên nền tảng tự học thì khó có thể nói là chất lượng thật được. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phải khắc phục được "vấn nạn" này. Chính vì vậy mà "tự học", "tự làm giàu tri thức", "tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng", "tự đánh giá" là tư tưởng xuyên suốt trong Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Bộ cũng đã có nhiều giải pháp ngăn chặn dạy thêm, học thêm tràn lan, tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được cải thiện. Mới đây, tại hội thảo khoa học do Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức, tiến sĩ Frances Hoffman (một học giả Fulbright, Mỹ) cho biết năng lực tự học của sinh viên Mỹ rất cao và năng lực này đã được hình thành từ cấp tiểu học. Sinh viên VN thua kém sinh viên nhiều nước chính là ở điểm này.
Tôi có một người bạn vào TP.HCM làm ăn và đang sống bằng nghề "làm bài thuê cho sinh viên". Chỉ với trình độ trung cấp tin học nhưng lại giỏi về Excel nâng cao và Acess, vì vậy bạn tôi hướng dẫn luyện thi chứng chỉ B cấp tốc cho những người có nhu cầu. Nhờ vậy, nhiều sinh viên biết tiếng và đến nhờ làm bài giúp. Sinh viên nào có nhu cầu thì gửi đề thi đến và anh ta làm rồi gửi trở lại, mỗi bài được nhận tiền công 500.000 đồng, thật là một nghề khá hấp dẫn. Phải chăng đây chính là hậu quả của quá trình dài học thêm ở trường phổ thông?
Ở VN, nhất là ở thành phố, trẻ em phải đi luyện chữ từ 5 tuổi để chuẩn bị vào lớp 1. Mới đây, có một số trung tâm luyện thi đã bắt đầu luyện kỹ năng làm bài thi theo cách ra đề mới của Bộ!
Mất cân đối nguồn nhân lực
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao dẫn đến hậu quả là phân luồng học sinh sau THCS khó thực hiện và chắc chắn mất cân đối nguồn nhân lực.
Mới đây, lãnh đạo Sở GD-ĐT Bình Dương cho biết cách đây gần chục năm, sở này đã có nhiều giải pháp vận động học sinh sau THCS đi học các trường nghề. Kết quả là số học sinh tốt nghiệp THCS đi học trường nghề khá cao. Nhưng những năm gần đây do tỷ lệ tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT cao nên học sinh không vào trường công lập đều học ở các trung tâm GDTX.
Điều này không chỉ xảy ra đối với Bình Dương mà tất cả các tỉnh, thành khác. Kết quả, cả nước chỉ có vài phần trăm học sinh THCS học nghề, trong khi chỉ tiêu nhà nước đặt ra cho tỷ lệ này là 30%. Theo chỉ tiêu đặt ra trong chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 của Chính phủ là đến năm 2020 có ít nhất 80% số thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ tốt nghiệp THPT và tương đương, chính vì vậy nhiều địa phương đã chọn giải pháp tăng thêm trường THPT vì thi tốt nghiệp quá dễ nên sẽ đạt được chỉ tiêu này. Như vậy, việc mất cân đối nguồn nhân lực không hề giảm đi mà còn tăng thêm.
Các đề xuất cải tiến kỳ thi tốt nghiệp
Có thể khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 có nhiều đổi mới và có những thành công quan trọng, tạo đột phá mới trong dạy và học ở trường phổ thông. Tuy nhiên, nên cải tiến một số khâu như sau:
Thứ nhất, về xếp loại tốt nghiệp, không nên để 3 loại: giỏi, khá, trung bình mà nên xếp thành 4 loại: xuất sắc, giỏi, khá, trung bình hoặc ưu, bình, bình thứ và đạt. Cần quy định như thế nào để phân biệt được trình độ rõ ràng, để học sinh căn cứ vào xếp loại mà tiếp tục thi ĐH hay học các trường TCCN, trường nghề.
Thứ hai, cần lấy điểm trung bình cả năm lớp 12 nhưng tỷ lệ tham gia chỉ 1/3 thôi, trung bình điểm thi được nhân đôi, cộng lại rồi chia 3. Như vậy, việc chạy điểm, nâng điểm sẽ giảm.
Về giải pháp lâu dài, cần xây dựng chương trình chuẩn thống nhất chung và sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau. Khi đó, chắc chắn sẽ có những bộ sách có chất lượng, học sinh có thể tự học, không cần phải học thêm hay luyện thi và cần có chính sách để phân luồng sau THCS./.
Nguồn: VOV.VN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét