Với những đổi mới trong thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhiều ý kiến dự đoán tỷ lệ tốt nghiệp sẽ là 100%.
Bộ GD-ĐT vừa chính thức thông báo phương án chốt thi tốt nghiệp THPT năm nay với 4 môn thi, gồm 2 môn tự chọn và 2 môn bắt buộc. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng quyết định thay đổi phương thức xét tốt nghiệp. Theo đó, điểm xét tốt nghiệp sẽ tính bằng cách lấy điểm thi tốt nghiệp + điểm tổng kết cuối năm lớp 12 chia đôi. Với cách tính này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay sẽ tăng vọt, thậm chí đạt con số tối đa tròn trĩnh 100%. Như vậy, việc thi tốt nghiệp tiếp tục chỉ là hình thức?
Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, với cách tính này, nếu khung đề thi vẫn như mọi năm, chắc chắn tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ cao hơn.
“Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng là điều tốt, ai cũng đợi nhưng vấn đề khung đề thi phải thay đổi sao cho phù hợp và khó nhất là việc tổ chức thi sao cho nghiêm túc hơn”, ông Lâm nói.
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng THPT Lương Thế Vinh cũng dự tính, với cách tính điểm xét đỗ tốt nghiệp mới của Bộ GD-ĐT, có những học sinh thi tốt nghiệp chỉ được 4 điểm cũng đỗ tốt nghiệp. Theo đó, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ là 100% . Đây cũng là điều mà PGS Văn Như Cương cho là bất hợp lý trong việc thay đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Không những thế, PGS Văn Như Cương còn cho rằng, cách tính này sẽ làm nảy sinh những tiêu cực trong việc làm điểm tổng kết cuối năm.
“Tâm lý thầy cô của mỗi trường thương học trò, hay có sự tác động của phụ huynh thì chắc chắn sẽ nâng lên. Việc đó, đề phòng nếu điểm thi tốt nghiệp học trò mình có thiếu, thì điểm tổng kết sẽ bù vào, cộng lại chia đôi cho các em đỗ…”, ông Cương nói.
Đồng quan điểm, nhiều giáo viên khác thẳng thắn nhận xét: nếu cho rằng áp dụng phương án thi mới này để giảm áp lực cho các em thì tốt nhất nên bỏ kỳ thi này đi, thay vào đó là một bài kiểm tra đánh giá giống như ở cấp tiểu học, THCS.
“Tổ chức thi dù là rút ngắn trong 2 ngày nhưng vẫn tốn kém mà quy cho lại chỉ là cho có, là hình thức thì chi bằng bỏ hẳn nó đi, vừa tiết kiệm kinh phí, thời gian của các em”, chị Nguyễn Thị Hà, một giáo viên trường THPT ở Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét